Rửa tiền, loại tội phạm ‘khó nhằn’
Các nhà điều tra tội phạm học trong lĩnh vực rửa tiền đã rút ra kết luận về 8 thủ đoạn chính trong lĩnh vực này. Bao gồm: Thành lập công ty "ma" với vỏ bọc xuất nhập khẩu hàng hóa; Thông qua nền tảng trò chơi điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến; Núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch; Chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế; Nhờ người thân mua tài sản, bất động sản hoặc cho tặng tài sản; Núp bóng người khác để mở các loại dịch vụ; Thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu; Lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền.
Đáng chú ý, những năm gần đây, từ việc phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt; sự bùng nổ của thương mại điện tử; tiền ảo, tiền số... thì tội phạm rửa tiền càng thêm “điều kiện” để biến hóa.
3 tổ chức quốc tế liên quan tới phối hợp hành động chống tội phạm rửa tiền
Rửa tiền được thực hiện bởi những loại tội phạm với nhiều thủ đoạn tinh vi, những hình thức rất phức tạp. Không chỉ gây rối loạn thị trường tiền tệ, là môi trường nuôi dưỡng các loại tội phạm khác mà nó còn làm suy giảm hiệu quả điều tiết, hiệu quả của các công cụ tiền tệ của bất cứ chính phủ nào. Trên thực tế, tội phạm rửa tiền đã kích thích các hành vi tội phạm kinh tế, như trốn thuế, tham ô tham nhũng, mua bán tin tức nội gián, gian lận thương mại; làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường.
Rửa tiền không thể được thực hiện bởi một vài cá nhân, mà nó là những băng nhóm, trong hầu hết các trường hợp đều là các tổ chức tội phạm xuyên biên giới. Chính vì vậy, buộc phải hình thành các cơ quan hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền và ngăn ngừa sự dịch chuyển các tài sản bất minh. Những tổ chức và thiết chế điển hình phòng chống tội phạm rửa tiền và ngăn ngừa sự dịch chuyển của các tài sản bất minh có thế kể đến: Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền (FATF), Chương trình chống rửa tiền toàn cầu của Liên hợp quốc (GPML)…
Trong các tổ chức ấy, Interpol nổi lên như khắc tinh của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm rửa tiền. Interpol là một tổ chức liên chính phủ, thành lập ngày 7/9/1923 tại Viên (Áo) với mục đích ban đầu là củng cố hoạt động chung của các cơ quan cảnh sát quốc gia. Theo thời gian, Interpol có nhiều biến đổi, cho đến ngày 1/5/1989, tổ chức này chuyển về thành phố Lyon (Pháp).
Tại đó, Interpol có một thư viện lưu trữ hồ sơ tội phạm quốc tế và cũng là nơi tổ chức các cuộc họp định kỳ. Tới nay, Interpol có văn phòng đại diện ở 6 quốc gia (Argentine, Cameroun, Côte d’Ivoire, El Salvador, Kenya, Thái Lan), đồng thời có đại diện tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ). Hiện 188 quốc gia đã tham gia tổ chức này, nhằm phối hợp mặt trận chống tội phạm quốc tế, tập trung vào tội phạm buôn người, rửa tiền, buôn bán ma túy, khủng bố…
Một trong những nhiệm vụ chính của Interpol là giúp cảnh sát của các nước thành viên trao đổi thông tin về tội phạm, trong đó có thông tin về đối tượng đang bị truy nã, người mất tích…Thông báo quốc tế được phát ra bằng 4 thứ ngôn ngữ chính thức Interpol sử dụng (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ả Rập) và có 6 loại thông báo quốc tế theo từng loại màu với ý nghĩa khác nhau.
Cụ thể: Thông báo đỏ được dùng để truy nã những đối tượng phạm tội nguy hiểm; Thông báo vàng dùng để truy tìm hoặc xác định một người bị mất tích hoặc chưa được nhận dạng; Thông báo xanh da trời dùng để thu thập thông tin về nhân dạng của một người hoặc các hành vi bất hợp pháp liên quan đến tội phạm; Thông báo đen dùng để tìm kiếm thông tin chính xác về xác chết chưa được nhận dạng; Thông báo xanh lá cây dùng để cảnh báo hoặc thông báo thông tin tình báo về một đối tượng tội phạm quốc tế đã gây án ở một quốc gia và đang tìm cách thực hiện tiếp hành vi tội phạm ở một quốc gia khác; Thông báo màu da cam dùng để cảnh báo lực lượng cảnh sát và các tổ chức quốc tế về mối đe dọa tiềm ẩn của các loại vũ khí mới, khả năng bị đánh bom…
Tội phạm rửa tiền bị Interpol thông báo truy nã hầu hết là màu đỏ - mức độ nguy hiểm nhất.
Khi nhận được thông báo đỏ, cảnh sát các quốc gia thành viên sẽ tiến hành biện pháp điều tra, truy tìm tội phạm và khi bắt được sẽ báo cáo về Tổng hành dinh Interpol để ra thông báo về kết quả và thời gian thực hiện việc dẫn độ tội phạm.
Cùng với Interpol, lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền (FATF) cũng là một tổ chức liên chính phủ, có chức năng đưa ra các tiêu chuẩn, xây dựng và phát triển các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. FATF được thành lập tại Paris (Pháp) năm 1989.
Theo FATF, rửa tiền là việc xử lý tiền do phạm tội nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của chúng để hợp pháp hóa những món lợi thu được một cách bất chính từ hành vi phạm tội. Nhiệm vụ chính của FATF là giúp các nước thành viên ban hành các quy định về phòng chống rửa tiền; đặc biệt FATF còn biên soạn và cập nhật danh sách những nước và những tổ chức khủng bố liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố - được gọi là danh sách đen.
Tuy nhiên, mục đích của danh sách đen này cũng chỉ là “chỉ tên và làm xấu hổ” các nước được coi là thiên đường của việc rửa riền và tài trợ khủng bố, đồng thời hợp tác quốc tế toàn diện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ.
Bên cạnh FATF, còn có một số lực lượng quốc tế khác đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Những nhóm này được tổ chức theo vùng địa lý hoặc theo những mục đích đặc biệt của tổ chức (FSRBs). Cơ quan này được xây dựng theo mô hình FATF thu nhỏ và cũng giống như FATF, mục tiêu của FSRBs là chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; báo cáo về thủ đoạn rửa tiền hàng năm.
Hiện những FSRBs được FATF thừa nhận bao gồm:
-Nhóm châu Á/Thái Bình dương về chống rửa tiền (APG);
-Lực lượng đặc nhiệm tài chính khu vực Caribe (CFATF);
-Hội đồng Ủy ban châu Âu lựa chọn các chuyên gia đánh giá các biện pháp chống rửa tiền (MONEYVAL);
-Nhóm chống rửa tiền khu vực Đông và Nam Phi (ESAAMLG);
-Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền khu vực Nam Mỹ (GAFISUD).
Cùng với Interpol và FATF, còn có Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), thành lập năm 1997, trụ sở tại Viên (Áo). Cơ quan này tập trung nhắm tới tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, phát hiện và thông báo tội phạm rửa tiền cũng là mối quan tâm của UNODC.
Quy định pháp lý đối với tội danh rửa tiền
Tới nay, tội phạm rửa tiền đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế gây hậu quả nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và uy tín quốc tế của nhiều quốc gia. Vì vậy, hoạt động rửa tiền đều bị các quốc gia “hình sự hóa” và đều tập trung nhân lực trình độ cao nhằm đương đầu hiệu quả với loại tội phạm tinh vi và rất có thế lực tài chính này.
Các cơ quan phòng chống rửa tiền (PCRT) quốc tế phân các quốc gia thành 3 nhóm: Các quốc gia có rủi ro về PCRT và gây bất ổn cho hệ thống tài chính; Các quốc gia có sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền hoặc thực hiện đúng kế hoạch đã cam kết; Và các quốc gia có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền nhưng có các cam kết cấp chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hành động, phải chịu sự giám sát liên tục của các cơ quan về PCRT.
Mỹ được coi là quốc gia có hệ thống luật pháp về phòng chống rửa tiền toàn diện và nghiêm khắc bậc nhất. Không ít ngân hàng lớn của châu Âu hoạt động tại Mỹ đã phải nhận những án phạt nặng do không tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia này. 10 năm trước, vào năm 2012, hai ngân hàng của Anh là HSBC và Standard Chartered Plc đã bị cơ quan chức năng kiểm tra. Với mức phạt của cả hai lên đến 1 tỉ USD. Năm 2013, Hệ thống thanh toán điện tử chuyển tiền tại Mỹ, Liberty Reserve, đã phải đóng cửa “ngay lập tức” sau cáo buộc rửa tiền với giá trị lên tới 6 tỷ USD. Cơ quan có thẩm quyền tại New York cho biết, Liberty Reserve chưa từng đăng ký hoạt động kinh doanh chuyển tiền với Bộ Tài chính Mỹ mặc dù họ có hơn 1 triệu khách hàng trên toàn cầu. Mỗi năm website này thực hiện khoảng 12 triệu giao dịch tài chính. Khi đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Liberty Reserve là tổ chức rửa tiền.
Đáng lưu ý là Luật Bí mật ngân hàng (BSA) năm 1970 và Luật Sửa đổi, bổ sung yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ những chứng từ liên quan đến giao dịch có trị giá 10.000 USD trở lên.
Bộ luật Mỹ quy định 3 tội phạm liên quan đến rửa tiền, đó là: tội về giao dịch tài chính (Điều 1956); tội vận chuyển quốc tế (Điều 1956); tội về tiền tệ (Điều 1957).
Còn tại Anh, những quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền bao gồm: Luật Chống buôn bán ma túy năm 1986; Luật Phòng chống khủng bố năm 1987; Luật Hình sự hợp tác quốc tế năm 1990.
Kể từ năm 1990, Ngân hàng Trung ương Anh phối hợp với các ngân hàng thương mại, các đơn vị tình báo tài chính, hải quan và cảnh sát đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn phát hiện và ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trong đó tập trung chủ yếu vào việc yêu cầu ngân hàng phải báo cáo cho các cơ quan chức năng những hoạt động và giao dịch đáng ngờ. Các ngân hàng phải lưu giữ tất cả chứng từ giao dịch trong 6 năm để phục vụ điều tra.
Bộ luật Hình sự Liên bang Nga cũng quy định 3 loại tội phạm liên quan đến rửa tiền, đó là: tội hợp pháp hóa (rửa tiền) tiền và tài sản khác do người khác có được một cách bất hợp pháp (Điều 174); tội hợp pháp hóa (tẩy rửa) tiền hoặc tài sản khác do mình phạm tội mà có (Điều 174.1); tội sở hữu hoặc tiêu thụ tài sản biết rõ là do phạm tội mà có (Điều 175).
Còn luật về phòng, chống rửa tiền của Nhật Bản năm 1991 quy định 2 lọa tội phạm liên quan đến rửa tiền; đó là: tội che giấu những khoản bất lợi chính (Điều 9) và tội chấp nhận những khoản lợi bất chính (Điều 10).
Tại mục I, điểm b khoản 1, Điều 3 Công ước Viên (năm 1988), quy định: “Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định tại điểm (a) của khoản này hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội đó với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ người nào có dính líu vào hành vi phạm tội như vậy trốn tránh trách nhiệm hình sự của hành vi đó”. Mục đích là truy ra đối tượng che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; hoặc giúp đỡ đối tượng phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý vẫn không thống nhất hoàn toàn về tội phạm rửa tiền, vì dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm “phái sinh”, phụ thuộc vào tội phạm nguồn (đối tượng có tiền, tài sản bất minh do phạm tội mà có).
Lập luận được đưa ra là nếu không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy “tội phạm nguồn” không chỉ thuê các băng nhóm tội phạm “làm sạch” tiền hoặc tài sản bất hợp pháp mà còn đồng thời tích cực và chủ động thực hiện hành vi “làm sạch” những khoản tiền, tài sản mà chính mình chiếm đoạt được, tức là hành vi “phối hợp tự rửa tiền”.
Vì vậy tới nay hầu hết các quốc gia đều truy tố và xử lý hình sự rất nặng “tội phạm nguồn” trong trường hợp thực hiện hành vi “phối hợp tự rửa tiền”.
Khó khăn cuộc chiến chống lại “những kẻ lắm tiền”
Vì nhiều lý do khác nhau, một số quốc gia không công khai số vụ rửa tiền. Nhưng, cũng có quốc gia minh bạch hóa việc này, trong đó có Vương quốc Anh. Cơ quan chống tội phạm Vương quốc Anh cùng Cơ quan Quản lý Tài chính nước này ước tính bình quân mỗi năm có khoảng 90 tỷ Bảng tiền bẩn chảy qua London.
Mỗi năm tại Anh, ước tính các tổ chức tài chính phải nộp phạt khoảng 598 triệu Bảng cho các cơ quan quản lý vì các cáo buộc để lọt hành vi rửa tiền, kể từ khi bộ quy tắc về rửa tiền được Vương quốc Anh luật hóa vào năm 2007.
Không riêng tại nước Anh, các giao dịch rửa tiền từ lâu đã trở thành mối quan ngại tại nhiều quốc gia. Thống kê của Fenergo - một tập đoàn công nghệ đa quốc gia thành lập năm 2008, cho biết các tổ chức tài chính toàn cầu đã phải nộp phạt 10,4 tỷ USD trong năm 2020 vì vi phạm quy định chống rửa tiền, tăng hơn 80% so với năm 2019. Cho đến tháng 1/2021, một ngân hàng của Mỹ là Capital One đã phải nộp khoản phạt kỷ lục 390 triệu USD vì không khai báo hàng nghìn giao dịch đáng ngờ.
Bà Rachel Wooley - Giám đốc toàn cầu về tội phạm tài chính của Fenergo nhận định: Việc nhận diện tội phạm rửa tiền chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Các tổ chức tài chính phải đối mặt với những thách thức lớn lao trong việc xác định tội phạm rửa tiền, nhất là hành vi bất hợp pháp của những nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động rất phức tạp dưới nhiều vỏ bọc khác nhau.
Bà Wooley lấy dẫn chứng từ Ngân hàng NatWest (Mỹ), khi họ buộc phải sử dụng tới 4.000 nhân viên để phát hiện và ngăn chặn các hành vi tội phạm tài chính (trong đó có tội phạm rửa tiền), chiếm tới 8% tổng số nhân sự. Trong vòng 10 năm, NatWest đã phải chi tới 1,2 tỷ bảng Anh vào việc cải thiện hệ thống kiểm soát gian lận tài chính của mình (không tính lương cho hàng ngàn nhân viên).
Còn con số từ Văn phòng ma túy và tội phạm (trực thuộc Liên hợp quốc), tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể vào khoảng 2-5% GDP thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỉ USD.
Trong khi đó, ông Gudmundur Kristjansson, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của inkedIn nhận định: Các ngân hàng trên toàn cầu đang chi khoảng 40 tỉ USD mỗi năm cho cuộc chiến chống tội phạm tài chính. “Con số này nghe chừng lớn, nhưng so với 2 nghìn tỉ USD tiền bẩn chảy qua hệ thống ngân hàng mỗi năm thì 40 tỉ USD là quá ít" - ông Gudmundur nói.
Cái khó lớn nhất trong cuộc chiến rửa tiền là lợi nhuận quá lớn, vì thế đã kéo nhiều bên cùng vào cuộc với mức độ liên quan khác nhau, trong đó có cả việc đồng lõa trong các giao dịch rửa tiền. Chẳng hạn, chính các công ty pháp lý hay kiểm toán có thể đóng vai trò như những đơn vị tư vấn giúp các tổ chức tội phạm tạo ra một cấu trúc doanh nghiệp phức tạp - vỏ bọc hoàn hảo để che khuất đối tượng nắm quyền sở hữu cuối cùng của tài sản.
Vẫn theo bà Rachel Wooley, không chỉ các tổ chức tài chính mới có vai trò phát hiện, ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp này. Trách nhiệm còn thuộc về các cơ quan cố vấn pháp lý, các công ty kiểm toán… Tuy rằng các nhóm tội phạm có tổ chức thường đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính. Trong khi nhiều ngân hàng “vui vẻ chấp nhận” những món tiền gửi khổng lồ, mà không “băn khoăn quá nhiều” về nguồn gốc dòng tiền.
“Những đối tượng có được số tiền, tài sản bất hợp pháp là những kẻ lắm tiền, cũng như những kẻ “ăn theo” khi tổ chức hoạt động rửa tiền đều là những đối tượng rất khó bị sờ gáy bởi tính xảo quyệt và sẵn sàng dùng tiền để che thân và thoát tội. Vì vậy, cuộc chiến chống hoạt động rửa tiền đã và đang vẫn sẽ phải tiến hành trong điều kiện rất khó khăn”, bà Rachel Wooley - Giám đốc toàn cầu về tội phạm tài chính của Tập đoàn công nghệ Fenergo nhận định.
3 vụ rửa tiền chấn động thế giới
Có khoảng 1,6 đến 4 ngàn tỉ USD tiền bẩn được rửa mỗi năm, tương đương 2-5% GDP toàn cầu, theo ước tính của Văn phòng ma túy và tội phạm (Liên hợp quốc). Trong số nhiều vụ rửa tiền gây chấn động, có thể kể đến 3 vụ cực lớn.
Thứ nhất: Vụ rửa tiền 220 tỉ USD ở Ngân hàng Danske Bank (Đan Mạch), bị phanh phui trong 2 năm 2017-2018. Số tiền này có nguồn gốc từ 150 nước khác nhau. Trong một đợt điều tra nội bộ vào năm 2015, lãnh đạo Danske Bank thừa nhận trong số 15.000 tài khoản ở Estonia, có hơn phân nửa tài khoản có những giao dịch đáng ngờ. Năm 2016, ngân hàng đã đóng băng các tài khoản này. Sau đó, 10 nhân viên chi nhánh của Danske Bank tại Estonia bị nhà chức trách nước này bắt giữ. Chính phủ Estonia đã quyết định đóng cửa chi nhánh này vào đầu năm 2019.
Vụ thứ hai là Standard Chartered bị cáo buộc giúp Iran rửa 250 tỉ USD. Ngân hàng Standard Chartered có trụ sở đặt tại London (Anh) và mạng lưới chi nhánh ở hơn 70 nước. Năm 2012, ngân hàng này bị Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (DFS) cáo buộc hỗ trợ chính phủ Iran lách các quy định chống rửa tiền của Mỹ để tiến hành 60.000 giao dịch rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ với tổng giá trị 250 tỉ USD trong giai đoạn 2001-2007.
Tháng 8/2012, Standard Chartered chấp nhận nộp phạt 340 triệu USD cho DFS và đồng ý khắc phục các vấn đề tuân thủ chống rửa tiền để khép lại vụ điều tra rửa tiền này.
Vụ thứ ba là Ngân hàng Wachovia, Mỹ (hiện nay đã được sáp nhập vào Ngân hàng Wells Fargo). Sau khi bị tố giác, ngân hàng này đã thừa nhận các vi phạm hệ thống và nghiêm trọng khi cho phép các cơ sở đổi tiền “đáng ngờ” từ Mexico chuyển 378,4 tỉ USD sang các tài khoản ở Ngân hàng này trong giai đoạn 2004-2007. Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, số tiền này có liên quan các tổ chức buôn lậu ma túy của Mexico và Colombia.
Wachovia đã thương lượng thỏa thuận miễn truy tố với Bộ Tư pháp Mỹ sau khi được chấp nhận nộp phạt tổng cộng 160 triệu USD cùng cam kết nâng cao quy trình chống rửa tiền.