Tiếng kẻng 'gọi chữ' nơi cửa biển Kỳ Ninh
Ban đầu, mô hình “Tiếng kẻng học đường” của Trường THCS Kỳ Ninh (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ra đời nhằm đốc thúc tinh thần tự giác học tập của con em vùng cửa biển nơi đây. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, hiệu quả của mô hình không chỉ dừng lại ở đó.
Thay đổi nếp nghĩ
Về vùng biển Kỳ Ninh khi màn đêm vừa buông, chúng tôi được nghe những âm thanh lạ lẫm nhưng rất đỗi quen thuộc của người dân nơi đây - “Tiếng kẻng học đường”. Đúng 19h30, hồi kẻng từ các nhà văn hóa thôn vang lên, học sinh mọi lứa tuổi ở xã Kỳ Ninh không ai bảo ai, tất cả gác lại mọi việc, ngồi vào bàn học bài.
Từ lâu, “Tiếng kẻng học đường” đã trở thành hiệu lệnh không thể thiếu trong cuộc sống người dân vùng biển Kỳ Ninh.
Đây là xã bãi ngang, nghề nghiệp chính của người dân nơi đây chủ yếu là đánh bắt thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, nếp nghĩ của người dân ở “cửa biển” thị xã Kỳ Anh cho rằng việc học không mấy quan trọng. Họ nghĩ chỉ cần cho con bám trường, bám lớp lấy bằng tốt nghiệp để đi xuất khẩu lao động, thậm chí theo nghề biển không cần đến bằng cấp nào cả.
Với lối suy nghĩ đó, việc học ở đây ít được coi trọng và tinh thần học tập của học sinh không được đặt cao, việc tự học ở nhà không được phụ huynh quan tâm, giám sát chặt chẽ. Từ đó chất lượng đại trà thấp, chất lượng học sinh giỏi cũng kém so với các địa phương khác trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.
Trước thử thách về chất lượng giáo dục thấp, phong trào học tập yếu, học sinh về nhà ít học bài, công tác tuyên truyền học tập chưa tốt, Ban Giám hiệu Trường THCS Kỳ Ninh cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Kỳ Ninh tìm cách thay đổi.
Vang vọng tiếng kẻng
Đầu năm 2018, tại Hội nghị xây dựng chất lượng giáo dục, Ban Giám hiệu Trường THCS Kỳ Ninh cùng các cấp học trên địa bàn xã mạnh dạn tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện mô hình “Tiếng kẻng học đường”.
Mô hình đã được ghi nhận tại Nghị quyết của Đảng ủy xã Kỳ Ninh với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo. Từ đó, “Tiếng kẻng học đường” ra đời, sau 4 năm triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả khá tốt.
Ban đầu, việc thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn bởi để thay đổi được thói quen đã hình thành lâu đời của các thế hệ phụ huynh và học sinh là điều không dễ.
Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, nhẫn nại và tâm huyết của các nhà trường, giáo viên và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là cán bộ thôn, xóm, “Tiếng kẻng học đường” dần dần được tiếp nhận và thực hiện.
Sau một thời gian, học sinh ở Kỳ Ninh đã hình thành thói quen, cứ đúng 19h30 phút, khi tiếng kẻng vang lên là tất cả học sinh các cấp vào bàn học bài đúng giờ.
Qua Tiếng kẻng, cha mẹ, ông bà của học sinh cũng biết thời điểm nhắc nhở con, cháu vào học tập. Ngoài việc nhắc nhở con, em học tập của gia đình, hàng tháng, hàng tuần nhà trường cắt cử các thầy cô giáo xuống tận nhà kiểm tra, giám sát các em học tập.
Tiếng kẻng “gọi chữ” góp phần không nhỏ vào việc đánh thức ý thức tự giác học tập của học sinh, tạo ra phong trào học tập sâu rộng, nâng cao chất lượng học cho học sinh.
Từ “tiếng vang” của “Tiếng kẻng học đường” kết hợp với nhiều nỗ lực trong dạy và học, năm học 2019-2020 chất lượng giáo dục trên địa bàn xã Kỳ Ninh nâng lên rõ rệt.
Chất lượng tuyển sinh vào THPT đứng tốp đầu của thị xã Kỳ Anh và xếp thứ 41 trên mặt bằng chung của toàn tỉnh (năm học 2016-2017 xếp thứ 126 của tỉnh). Ngoài ra học sinh giỏi cũng nằm trong tốp đầu của thị xã.
Từ những kết quả đó, năm học 2021-2022, trường THCS Kỳ Ninh được đánh giá đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2 và công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Ninh chia sẻ: Để phát huy được hiểu quả của “Tiếng kẻng học đường” là phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Chúng tôi duy trì việc kiểm tra, giám sát, đốc thúc thường xuyên nên mô hình đã phát huy hiệu quả cao.
Nói về mô hình “Tiếng kẻng học đường”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh cho biết: “Tiếng kẻng học đường” là ý tưởng rất hay, đây là tham mưu của các cấp học trên địa bàn xã mà chủ đạo là Trường THCS.
Kể từ khi “Tiếng kẻng học đường” ra đời đến nay đã thúc đẩy phong trào, ý thức học tập rất tích cực đối với học sinh trên địa bàn. Mô hình được phụ huynh, học sinh, các cấp chính quyền rất đồng tình, quan tâm và hưởng ứng.
Cũng từ đó chất lượng học tập của học sinh được nâng lên, kết quả học tập cao hơn, học sinh ý thức việc học cũng khác hơn so với trước đây.
Tiếng kẻng ngoài “gọi chữ” còn được sử dụng để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã khi có các sự việc xảy ra.
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ning cho hay, vừa qua cấp ủy, chính quyền đã sơ kết 3 năm thực hiện mô hình “Tiếng kẻng học đường” nhằm đánh giá lại kết quả đạt được, rút kinh nghiệm và phát huy những thế mạnh của nó trong phong trào thi đua nâng cao chất lượng học tập của học sinh trên địa bàn xã…
Cô Nguyễn Thị Tường Vân - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kỳ Anh đánh giá: Mô hình Tiếng kẻng học đường tại Kỳ Ninh là một mô hình rất thiết thực giúp học sinh ý thức được việc học tập của mỗi cá nhân, tạo thói quen nề nếp trong học tâp, qua đó học sinh giải quyết được những vấn đề kiến thức mà thầy cô giáo yêu cầu đối với việc tự học của học sinh.
Bên cạnh đó, tiếng kẻng đã phát huy trách nhiệm đối với phụ huynh trong việc nhắc nhở đối với việc tự học của con em.
Có thể nói, đây là một mô hình được gia đình, phụ huynh học sinh rất ủng hộ vì nó đưa lại kết quả học tập và tinh thần tự học của học sinh rất cao.
Chính vì vậy, Trường THCS Kỳ Ninh từ một trường có kết quả chất lượng học tập, giáo dục đứng ở tốp cuối của thị xã, nhưng những năm trở lại đây đã có những biến chuyển và đột phát rất vượt bậc trở thành những trường đứng tốp đầu của thị xã về chất lượng học tập.