Đổi mới giáo viên trong xu thế hội nhập
Trước nhiệm vụ mới của ngành giáo dục và trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh: Giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục, chuyển đổi vai trò từ người truyền thụ kiến thức (tức là chuyên gia dạy học) sang là người hướng dẫn học sinh tìm tòi và vận dụng kiến thức (tức là chuyên gia học tập)…
PV: Sau 3 năm chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở các lớp 3, 7, 10. Bên cạnh thuận lợi, ngành giáo dục vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề thiếu giáo viên, áp lực khi thực hiện chương trình. Nhưng cũng có thể thấy, học sinh tự tin hơn, đặc biệt là trẻ lớp 1. Ông đánh giá thế nào về tín hiệu tích cực này?
TS NGUYỄN VINH HIỂN: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Thực chất đó chính là yêu cầu chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm năng lực phải có quá trình hình thành trên cơ sở bồi dưỡng, phát triển các giá trị riêng của mỗi người; phát triển năng lực tư duy dựa trên quá trình tích lũy kiến thức, kĩ năng và trải nghiệm cuộc sống.
Cũng phải nói rõ thêm, năm học này học sinh các lớp 1, 2, 3 được học chương trình mới ngay từ đầu nên kết quả thể hiện khá rõ. Học sinh các lớp 6, 7 và lớp 10 thì những tiến bộ có phần hạn chế vì trước đó các em học chương trình cũ, vẫn còn quen với cách học tập thụ động từ những năm học trước. Vì thực tế đó nên giáo viên dạy những lớp này phải vất vả hơn bình thường, nhưng những ưu điểm của chương trình mới vẫn chưa thể phát huy đầy đủ. Tôi tin tưởng ở những lứa học sinh được học theo chương trình mới ngay từ lớp 1 sẽ đạt được tiến bộ rõ rệt sau 12 năm học phổ thông.
Thiếu giáo viên dạy chương trình mới là một thực tế. Nhiều giáo viên cho biết bị quá tải và rất áp lực khi thực hiện chương trình. Dù được bồi dưỡng chuyên môn, nhưng hầu hết giáo viên phải vừa dạy vừa mày mò, thậm chí có người dạy trái với chuyên môn. Như vậy có ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục không, thưa ông?
- “Vạn sự khởi đầu nan”, việc gì khi mới triển khai cũng gặp khó khăn vì chưa quen làm và có thể còn chưa lường hết các khó khăn sẽ gặp phải. Dạy theo yêu cầu của chương trình mới nhưng giáo viên hiện nay không được giảm định mức công việc để có thời gian tiếp cận chương trình, mà phải đổi mới chủ yếu bằng tự học ngay chính trong quá trình dạy học theo chương trình mới. Trước thực tế khách quan đó, giáo viên phải chấp nhận áp lực rất lớn và xã hội phải chấp nhận những hạn chế nhất định của chất lượng giáo dục chưa thật sự được như mong muốn.
Đứng trước yêu cầu của đổi mới giáo dục với mục tiêu đào tạo thế hệ công dân toàn cầu, theo ông người thầy phải thay đổi thế nào để đáp ứng?
- Tôi không muốn dùng từ “công dân toàn cầu”. Nếu được thì tôi xin đề nghị dùng từ “công dân hội nhập”. Với học sinh phổ thông, đó là những em đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cần đạt của chương trình mới.
Có rất nhiều yêu cầu đổi mới đối với giáo viên hiện nay, tôi chỉ xin đề cập một yêu cầu chung nhất. Trước nhiệm vụ mới của ngành giáo dục và trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục, chuyển đổi vai trò từ người truyền thụ kiến thức (tức là chuyên gia dạy học) sang là người hướng dẫn học sinh tìm tòi và vận dụng kiến thức (tức là chuyên gia học tập).
Trường Sư phạm chỉ có thể đào tạo ra những giáo viên đáp ứng các yêu cầu chung. Nhưng để giáo dục “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” thì hoạt động giáo dục lại phải phù hợp với từng học sinh, từng hoàn cảnh. Do đó, giáo viên phải tự rèn luyện và học tập suốt đời. Giáo viên dạy học không chỉ bằng những điều mình đã được đào tạo mà còn phải bằng cả tâm huyết, sự nhạy cảm, tinh tế và đạo đức nhà giáo. Giáo viên phải tự học và học tập cùng nhau, phải biết hướng dẫn học sinh học tập cá nhân và học tập hợp tác.
Giáo viên bị quá tải, áp lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng năm 2021 toàn ngành có 16.000 giáo viên bỏ việc. Theo ông cần làm gì để tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, và để họ gắn bó với nghề?
- Giáo viên là lực lượng trực tiếp quyết định mục tiêu đổi mới giáo dục. Nghề giáo đòi hỏi tính sáng tạo, chủ động cao. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục và nhà trường đang được đặt trước yêu cầu ngày càng cao nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận từ xã hội.
Đội ngũ giáo viên chịu nhiều áp lực, trong khi đó chế độ chính sách, cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị của các nhà trường chậm thay đổi. Trong điều kiện đó, giáo viên cảm thấy bị thiếu hụt yếu tố thúc đẩy hành động, giảm hoặc thiếu động lực làm việc, thậm chí đã bỏ nghề. Do đó, các cấp quản lý cần đặc biệt quan tâm tạo động lực cho đội ngũ giáo viên để họ có thể hóa giải được phần nào sức ép quá lớn đang đặt ra và đạt được niềm vui khi tiến bộ, thành công trong các hoạt động giáo dục. Theo tôi, trong số nhiều việc phải làm, cần bảo đảm những nhu cầu thiết yếu, cơ bản về đời sống vật chất của giáo viên trong sự tương quan với mức sống của toàn xã hội và nhu cầu nhiệm vụ của giáo viên. Quốc hội vừa quyết định tăng mức lương cơ bản, giáo viên rất vui mừng trước quyết định này, nhưng theo tôi cũng cần xem xét đến tương quan chung về thu nhập thực tế bằng nghề dạy học với các ngành nghề khác trong xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!