Điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo

MINH AN 20/11/2022 07:43

Hôm nay (20/11), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 khép lại sau hơn một tuần đầy ắp các hoạt động trưng bày, trình diễn, tương tác, trải nghiệm... Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 trở lại với quy mô lớn nhất từ trước tới nay về cả không gian, thời gian tổ chức lẫn số lượng, sự đa dạng của các hoạt động, sự kiện.

Cổng sáng tạo tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Tinh thần đổi mới sáng tạo

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là hoạt động thường niên, nhằm hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO. Lễ hội năm nay quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật với gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật... Cùng với đó, là sự góp mặt của gần 50 nghệ sĩ tham gia triển lãm, sắp đặt, trưng bày; gần 300 nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn; gần 50 đơn vị, tổ chức, cộng đồng sáng tạo; gần 30 diễn giả tham gia các tọa đàm, hội thảo chuyên sâu... cùng hàng triệu lượt tiếp cận, tương tác trên các kênh thông tin đại chúng. Lễ hội năm nay đặt trọng tâm vào chủ đề Thiết kế và Công nghệ.

Các không gian trưng bày tại triển lãm gồm: Không gian thiết kế và cuộc sống - Nghệ nhân Việt Nam; Không gian thiết kế mây tre lá tự nhiên; Không gian thiết kế lụa thêu và thời trang; Không gian thiết kế sản phẩm gốm, gỗ và sơn mài; Không gian thiết kế bảo tồn sản phẩm thủ công; Không gian thiết kế sản phẩm mới có tiềm năng xuất khẩu; Không gian thiết kế quà tặng OCOP; Không gian các gian hàng giới thiệu thiết kế của các doanh nghiệp (40 gian, lấy ý tưởng Sóng nước Sông Hồng)…

Những hoạt động của lễ hội lần này tập trung trong không gian quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội). Thời tiết những ngày qua được cho là lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời. Tại khu Nhà Bát giác, không gian “Truyền thống” lấy yếu tố gần gũi thiên nhiên làm chủ điểm sáng tạo, chỉ sử dụng những vật liệu thuần Việt và thân thiện với môi trường để kết cấu công trình như tre, trúc… Trong không gian ấy, những lối trúc quanh co được soi sáng bằng nhiều cụm đèn sắp đặt cho cảm giác như nắng thu chiếu rọi, dẫn dắt người xem tới những sáng tạo về thời trang, sơn mài, điêu khắc… Cách đó không xa, không gian “Hội nhập” lấy cảm hứng sáng tạo từ chính Tháp rùa, cầu Thê Húc… và tái sử dụng những nguyên liệu cũ để tạo hình, cũng mang đến nhiều lớp ý nghĩa cho người xem suy ngẫm. Còn tại trung tâm Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, “Cổng sáng tạo” mang tới trải nghiệm đặc biệt.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn, Hà Nội là thành phố sáng tạo về thiết kế, song yếu tố thiết kế vẫn chưa tạo được ấn tượng đậm nét trong lòng du khách; tỷ lệ người dân biết tới danh hiệu này chưa nhiều. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là cơ hội để chúng ta thay đổi điều này, thể hiện những thế mạnh từ nguồn lực sáng tạo, từ đó thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong đời sống cộng đồng.

Trong khi đó, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart chia sẻ: “Hà Nội với di sản văn hóa nổi bật và số lượng lớn những người sáng tạo, đang sở hữu những tiềm năng to lớn để sáng tạo làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuần lễ đặc biệt trong tháng 11 này, với các cuộc triển lãm, hội thảo, talk show và biểu diễn nghệ thuật trên toàn thành phố, là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đến với nhau và tôn vinh thành quả của sự sáng tạo. Các nhân tài Việt Nam đang cho chúng ta thấy một lần nữa tinh thần đổi mới của họ, đóng góp cho việc dựng xây thành phố, vì lợi ích của mỗi công dân nơi đây như thế nào”.

Định vị thương hiệu cho Hà Nội

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế, góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển. Trong những năm qua, TP Hà Nội đã duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả; đồng thời tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, Thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hà Nội là thành phố của sự đa dạng với hệ thống di sản dày đặc, cơ sở hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ, tiềm năng. Lợi thế này đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ, thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội. Theo Sở VHTT Hà Nội, nhiều sáng kiến đang được đưa ra để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo, trong đó Hà Nội tập trung vào các chiến lược cốt lõi như kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo, dự án chuỗi truyền hình tài năng sáng tạo. Ở đó, trung tâm thiết kế sáng tạo là nơi ươm mầm cho các tài năng thiết kế sáng tạo, hỗ trợ cho các dự án tiềm năng, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, để trở thành điểm đến của nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn và các hoạt động sáng tạo chất lượng.

Thời gian tới, Hà Nội cần hoàn thiện báo cáo định kỳ lần thứ nhất về việc đánh giá hiệu quả chương trình hoạt động gồm 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến cấp quốc tế như đã cam kết với UNESCO. Thăng Long - Hà Nội là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai, giữa bề dày văn hiến và dòng chảy sáng tạo vô tận. Tiếp nối truyền thống văn hiến, phát huy mạnh mẽ tiềm năng nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn ngàn năm qua và khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, xứng đáng là thủ đô, trái tim của cả nước, với vai trò đầu tầu, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

MINH AN