Để nông sản Việt vươn xa

DUY KHANG 20/11/2022 07:42

Tính đến thời điểm này, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã bước chân tới những thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản... Theo giới chuyên gia, để có thể mở rộng thị trường quốc tế, vai trò của thương mại điện tử là vô cùng quan trọng. 

Vải thiều đến với thị trường quốc tế qua cả kênh truyền thống và thương mại điện tử.

Nông sản dần bắt nhịp với nền kinh tế số

Hiện nay, cùng với các hệ thống phân phối truyền thống, thương mại điện tử đã trở thành một kênh mới hiện đại và là giải pháp bền vững giúp hàng hóa nước nhà cũng như các nông sản địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vải thiều là một trong những sản phẩm đã xuất khẩu rất hiệu quả qua cả kênh truyền thống lẫn kênh thương mại điện tử. Hồi giữa năm 2021, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được Sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức), đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, một Việt kiều Đức cho biết, hình thức mua hàng trên thương mại điện tử rất phổ biến tại nước Đức, tuy nhiên việc có thể đặt mua vải thiều Việt Nam trên sàn thương mại điện tử, sau đó khoảng từ 4-5 ngày đã nhận được những hộp vải tươi ngon là điều khiến nhiều Việt kiều ở đất nước này hết sức vui mừng. Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP của Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và tại châu Âu, được dán tem truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng.

Ngoài trái vải, thời gian qua nhiều sản phẩm nông sản đã được xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử như: trái thanh long Bình Thuận, khoai lang Nhật của tỉnh Vĩnh Long, mận Tam Hoa Bắc Hà... và nhiều nông sản khác của các địa phương trên cả nước đã dần được đẩy lên các sàn thương mại điện tử như Voso, Lazada, VN Post... Như vậy, cùng với kênh tiêu thụ truyền thống, nông sản Việt đã và đang bắt nhịp với nền kinh tế số, đi đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Giờ đây, cách xa hàng nghìn cây số, người tiêu dùng vẫn có thể mua những món đặc sản mình ưa thích của một địa phương nào đó chỉ bằng một cú click chuột trên máy tính hoặc chạm nhẹ tay vào màn hình của một chiếc điện thoại thông minh, một chiếc ipad.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc đưa hàng, nhất là nông sản lên mạng để bán trong nước và xuất khẩu sẽ là xu hướng. Cục cũng kết nối với sàn thương mại điện tử, chuỗi cung ứng... để bảo đảm hệ thống hậu cần, kho bãi đáp ứng yêu cầu kinh doanh của nông dân trên sàn. Từ đó, tạo thêm kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương.

Có thể thấy, với sự bùng nổ của kinh tế số, việc đưa các sản phẩm nông sản lên kênh bán hàng hiện đại, ứng dụng công nghệ đang được các nhà sản xuất tiếp cận và thích ứng.

Dù vậy, theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Chất lượng, sản lượng và giá nông sản khi đưa lên kênh bán trực tuyến cũng là thách thức được đại diện cơ quan xúc tiến thương mại nhắc tới. Chính bởi vậy, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ các quy trình trong sản xuất, là những yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng sản phẩm. Khi đó, vấn đề nông sản Việt có thể đi xa hơn, đến với nhiều thị trường hơn mới có thể được khẳng định.

Đẩy mạnh quảng bá trực tuyến

Trước những thách thức nói trên, các chuyên gia khuyến cáo, người trồng, nhà sản xuất cần phải rất chú trọng tới quy trình canh tác để đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều; các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phải cam kết chất lượng, giá... khi đưa sản phẩm lên lên kênh bán online, bởi chỉ khi đảm bảo các yếu tố đó mới tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của nhà quản lý trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên kênh thương mại điện tử cả ở thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới.

Nói về vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, bên cạnh hoạt động kết nối thương mại điện tử trong nước, Cục sẽ hướng tới tổ chức các hoạt động kết nối thương mại điện tử ở nước ngoài, quảng bá hàng Việt, nông sản Việt qua các kênh trực tuyến, thương mại điện tử ở nước ngoài nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để hỗ trợ các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường để giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, Cục đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với đối tác trong và ngoài nước như: Amazon, Alibaba, Google, Shopee, Voso, Tiki, Lazada… kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, trước hết là việc nâng cao kiến thức về quy định, chính sách pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, đào tạo kỹ năng cần thiết để tham gia thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới. Chẳng hạn như: mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài…; đồng thời, tổ chức một cách bài bản các chương trình thương mại điện tử hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu ra các thị trường lớn thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn.

Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hơn 2 năm qua đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, bởi vậy, để quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, các tỉnh/thành trên cả nước đã chú trọng ứng dụng các công cụ, giải pháp chuyển đổi số để đa dạng đầu ra cho sản phẩm cũng như bổ sung cho các kênh tiêu thụ truyền thống.

Có thể thấy, cùng với hệ thống phân phối truyền thống, thương mại điện tử tiếp tục phát huy lợi thế trong bối cảnh mới và tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng... Và đây cũng là kênh quan trọng đưa các thương hiệu hàng hóa, nông sản Việt bay cao, bay xa hơn đến khắp các thị trường trên thế giới.

Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Chất lượng, sản lượng và giá nông sản khi đưa lên kênh bán trực tuyến cũng là thách thức được đại diện cơ quan xúc tiến thương mại nhắc tới. Chính bởi vậy, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ các quy trình trong sản xuất, là những yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng sản phẩm. Khi đó, vấn đề nông sản Việt có thể đi xa hơn, đến với nhiều thị trường hơn mới có thể được khẳng định.

DUY KHANG