Nam Định: ‘Đất học’ chung tay ‘trồng người’
Nằm ở trung tâm vùng nam Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Nam Định được biết đến là địa phương có truyền thống hiếu học. Trong thời hiện đại, số đông con em Nam Định vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành giáo dục, các gia đình, dòng họ, cộng đồng, doanh nghiệp ở địa phương cũng đã và đang dành những điều kiện tốt đẹp nhất để chăm lo việc học hành của con em…
Chuyện xưa
Theo thống kê của Hội Khuyến học tỉnh Nam Định, từ năm 1075 đến năm 1919, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức tổng cộng 183 khóa thi cấp đại khoa để chọn hiền tài. Trong các cuộc thi ấy, tỉnh Nam Định ngày nay có tới 88 người thi đỗ. Trong đó, có 5 người đỗ Trạng nguyên gồm: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo, Đào Sư Tích. Riêng Nguyễn Hiền (người xã Nam Thắng - huyện Nam Trực ngày nay) không chỉ là người đầu tiên trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam thi đỗ Trạng Nguyên mà còn thi đỗ khi mới 13 tuổi.
Trong tâm thức người Nam Định, tên tuổi các vị Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo, Đào Sư Tích luôn hiện hữu, nhắc nhớ về sự quan trọng, cần thiết của việc phải nỗ lực học hành.
Chia sẻ về truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt, thành tài ở làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường), thầy giáo Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng Ban Khuyến học của làng lý giải sở dĩ thời nào khoa danh ở Hành Thiện cũng rạng rỡ là vì trong làng có tư tưởng trọng chữ hơn trọng giàu, trọng người đỗ đạt hơn người làm quan. Lo nghèo chữ nên cả làng ai cũng học, coi học là nghề bên cạnh nghề làm ruộng và dệt vải. Đã học, ai cũng quyết tâm!
Có những người như ông Nguyễn Trọng Trù cảnh nhà hàn vi, nhờ tranh thủ học trong những lúc đi cày, đi bừa, giã gạo mà đỗ tú tài năm 19 tuổi, đỗ cử nhân năm 25 tuổi. Đã theo, theo đến cùng! Ví như ông Nguyễn Đăng Thiện, đỗ tú tài năm 19 tuổi nhưng vẫn miệt mài theo đuổi đèn sách đến tận năm 60 tuổi để thi đỗ cử nhân; ông Đặng Vũ Trường 4 lần đi thi chỉ đỗ tú tài vẫn không nản, quyết tâm theo đuổi đến năm 53 tuổi thì đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm tri huyện rồi vẫn ham học để đi thi nhưng theo quy định ngày ấy làm quan rồi thì không được phép dự thi, ông sẵn sàng từ quan để đến năm 64 tuổi tiếp tục xách bút nghiên đi thi hội. Những tấm gương hiếu học như vậy ở Hành Thiện kể không hết được.
Khi đỗ đạt rồi, người trước quay lại dạy người sau. Bố dạy con, ông dạy cháu… cứ thế tiếp nối. Có một chuyện sử làng vẫn lưu truyền: Ông Đặng Xuân Bảng (ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh) nhà nghèo không có tiền theo học thầy, chỉ học cha là Đặng Viết Hoè mà đỗ Tiến sĩ năm 29 tuổi. Khi dự yến Vua ban, được Vua Tự Đức hỏi học ai, ông tâu chỉ học cha mình, Vua cảm phục ban cho bố cha ông bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (Dạy con thi đỗ). Như một dòng chảy không ngừng nghỉ, truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài của cha ông được thế hệ người Hành Thiện hôm nay trân trọng, lưu truyền, phát huy cho đến ngày nay...
Chuyện nay
Nhớ cách đây vài năm, khi tham luận về công tác khuyến học tại Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đã mượn và “ngâm” hai câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính (người con quê hương) để khái quát về tinh thần hiếu học của người Nam Định: “Nhà ta quý chữ hơn vàng/Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”.Trong khi ông Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh “ngâm” thơ thì cũng là thời điểm báo chí đồng loạt đăng tải thông tin thí sinh Nam Định đứng đầu cả nước về kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm ấy.
Theo thông kê, chỉ tính trong 7 năm gần đây, tỉnh Nam Định có 5 năm có số điểm trung bình đứng đầu toàn quốc, 2 năm đứng thứ hai toàn quốc. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua, điểm bình quân của các thí sinh Nam Định đạt 7,047 điểm, tiếp tục dẫn đầu, cao nhất cả nước. Không chỉ có vậy, tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; các kỳ thi Olympic khu vực và Olympic quốc tế tổ chức trong những năm qua, học sinh đến từ Nam Định liên tục được vinh danh vì đạt thành tích cao, góp phần vào kết quả gần 30 năm tỉnh Nam Định liên tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục - đào tạo…
Để đạt được những kết quả, thành tích đáng tự hào trên, trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành giáo dục, các gia đình, cộng đồng ở địa phương đã và đang dành những điều kiện tốt đẹp nhất để chăm lo việc học hành của con em. Mặc dù là địa phương chưa mạnh về thu ngân sách, nhưng những năm qua tỉnh Nam Định đã huy động mọi nguồn lực, cả từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, trước hết là đầu tư xây dựng, đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất.
Theo đó, đến hết tháng 10/2022 toàn tỉnh đã có 655/727 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 90,2% (trong đó, cấp Mầm non đạt 83,4%, cấp Tiểu học đạt 94,2%, cấp THCS đạt 96,5%, cấp THPT đạt 91,1%); 585 trường (tỷ lệ 66,57%) đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, đạt 80,58%.
Ở tất cả các cấp học: tiểu học, THCS, THPT đã có 100% phòng học kiên cố; 100% trường học có công trình nước sạch; 100% trường tiểu học, THCS, THPT có công trình vệ sinh riêng cho học sinh, giáo viên; 95% trường mầm non có công trình vệ sinh riêng cho giáo viên. 100% trường tiểu học, THCS đảm bảo 1 phòng học/lớp 2, lớp 6; 100% bàn ghế 2 chỗ ngồi. Một số trường còn xây được nhà đa năng, bể bơi, sân bóng theo hướng hiện đại.
Cùng với đó tỉnh luôn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, cả về số lượng và chất lượng. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh luôn chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, kỹ năng sư phạm và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.
Đến nay, tỷ lệ giáo viên trên lớp ở cấp học mầm non của tỉnh là 2,1 giáo viên/nhóm trẻ; 1,81 giáo viên/lớp mẫu giáo; 2,0 giáo viên/lớp mẫu giáo 5 tuổi. Cấp học tiểu học 1,41 giáo viên/lớp, 100% trẻ tiểu học được học 2 buổi/ngày. Cấp học THCS 2,01 giáo viên/lớp. Cấp học THPT 2,25 giáo viên/lớp. Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên từ cấp học mầm non đến phổ thông 22.974 người (mầm non 6.825 người, tiểu học 7.113 người, THCS 6.233 người, THPT 2.803 người); tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học: mầm non 88,7%, tiểu học 71,0%, THCS 87,1%, THPT 99,96 người (thống kê theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019).
Đặc biệt, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (ban hành ngày 4/11/2013 về “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”) được ngành giáo dục - đào tạo Nam Định, các cơ sở giáo dục trong tỉnh chú trọng, tập trung thực hiện.
Theo đó, việc dạy học được đổi mới theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; lấy người học làm trung tâm; xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc và trường học theo phương châm 4 tốt (môi trường giáo dục tốt, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt); ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ trong quản lý và giảng dạy, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục…
Kết quả, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 522/726 trường đạt chuẩn Kiểm định chất lượng, đạt tỷ lệ 71,9% phần nào đã nói lên hiệu quả đổi mới giáo dục ở Nam Định.
37% dân số là hội viên Hội Khuyến học
Nói đến chất lượng, hiệu quả dạy và học ở Nam Định không thể không nói tới sự quan tâm, chung sức, đồng lòng của mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn hội ở Nam Định. Theo đó, ở Nam Định, hầu hết các gia đình, kể cả những gia đình còn khó khăn cũng đều dành những gì tốt nhất có thể để chăm lo việc học hành của con em.
Hội Khuyến học tỉnh Nam Định được thành lập năm 1997, là hội cấp tỉnh được thành lập sớm nhất cả nước, chỉ sau khi Hội Khuyến học Việt Nam thành lập 5 tháng. Thông tin tại Đại hội đại biểu Hội khuyến học tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 tổ chức mới đây cho biết, 5 năm qua, tổ chức Hội Khuyến học phát triển mạnh mẽ ở các dòng họ, thôn, xóm, tổ dân phố, trường học, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Số chi hội và ban khuyến học tăng 16,5% so với năm 2017, số hội viên đạt 37% dân số toàn tỉnh, đứng thứ hai cả nước.
Toàn tỉnh hiện có tới 75,9% gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 74,6% số dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập; số cộng đồng học tập (cấp thôn, xóm, tổ dân phố) đạt 81,7%, số đơn vị học tập (cấp xã quản lý) đạt 95,6%; cộng đồng học tập cấp xã đạt 91%. Các trung tâm học tập cộng đồng được duy trì, phát triển, 97,3% trung tâm hoạt động khá và tốt.
Toàn tỉnh có 312 đơn vị khuyến học cơ sở có Quỹ khuyến học từ 100 triệu đến 4 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, Quỹ khuyến học toàn tỉnh thu được gần 338 tỷ đồng, tăng 61% so với nhiệm kỳ trước, hiện có số dư gần 192 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng trường học, mua trang thiết bị dạy học, hiến đất, tặng tủ sách, nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh mồ côi cha và mẹ được học hết lớp 12… trị giá hàng chục tỷ đồng.
Riêng Quỹ khuyến học cấp tỉnh trong 5 năm qua vận động được 87 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ với số tiền gần 17 tỷ đồng, qua đó khen thưởng cho giáo viên và học sinh dạy tốt, học tốt, trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi với số tiền trên 13,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều năm qua, tỉnh duy trì hoạt động Quỹ khuyến học - khuyến tài Lương Thế Vinh (do UBND tỉnh trực tiếp quản lý), với hoạt động ý nghĩa phối hợp tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh, thầy cô giáo trong toàn tỉnh đạt thành tích cao trong dạy và học trước thềm năm học mới.
Với mạng lưới khuyến học rộng khắp, mô hình khuyến học đa dạng ngay tại địa bàn dân cư, chăm lo học hành của con em ở Nam Định không chỉ là việc riêng của các gia đình, nhà trường mà là của toàn xã hội.
Tìm hiểu về những điển hình hiếu học và khuyến học ở tỉnh Nam Định thật sự thấy khâm phục tinh thần, nỗ lực học tập và thành quả đỗ đạt của nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng làng, xã ở đây.
Có những gia đình như gia đình ông Vũ Trọng Nguyên ở thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực) nuôi dạy 4 người con thành Tiến sĩ. Có những dòng họ như họ Trần ở xã Hải Phúc (Hải Hậu) có 1 người có học hàm Phó Giáo sư, 5 người có học vị Tiến sĩ, 28 người là Thạc sĩ, 181 người có bằng cử nhân, 1 người là Nhà giáo Nhân dân, 2 người được phong Nghệ sĩ ưu tú, 2 người được phong Thầy thuốc ưu tú, dòng họ không có hộ nghèo, quỹ khuyến học của dòng họ có hơn 200 triệu đồng. Có những làng như Làng Cố Bản, xã Đại Thắng (Vụ Bản) có 1 Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, 19 Tiến sĩ, 7 Thạc sĩ, hàng trăm cử nhân, hàng chục doanh nhân thành đạt. Quỹ khuyến học của làng có tới hơn 800 triệu đồng. Nổi danh, rạng rỡ nhất là làng Hành Thiện ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Không kể thời phong kiến, ở thời hiện đại, tính đến nay làng có tới hàng trăm người có học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ.
Ông Vũ Trọng Nguyên, thôn Đỗ Xá (Điền Xá - Nam Trực), người cha của 4 Tiến sĩ chia sẻ rằng: Từ năm 1995, với mục đích động viên, hỗ trợ con em học hành, dòng họ Vũ ở Đỗ Xá đã thành lập Ban khuyến học để thực hiện mục đích ý nghĩa trên.
Từ nguồn đóng góp của các hộ gia đình, mấy chục năm qua, họ Vũ duy trì nền nếp: Cứ vào dịp giỗ Tổ 21-6 Âm lịch hằng năm con cháu xa gần lại tề tựu. Sau các nghi lễ tri ân, tưởng nhớ tổ tiên cả họ cùng thực hiện việc biểu dương, khen thưởng con em có thành tích trong học tập. Phần thưởng không nhiều, chỉ là mươi cuốn vở viết, một hai trăm ngàn nhưng rất có ý nghĩa trong việc động viên con em trong họ học hành, phấn đấu; nhắc nhở các gia đình trong họ bên cạnh việc làm kinh tế phải quan tâm, chăm lo việc học hành của con em.
“Qua hoạt động khuyến học anh em, con cháu trong họ đoàn kết, gắn bó hơn. Nền nếp gia phong, tôn ti trật tự, truyền thống trên kính dưới nhường của dòng họ nhờ vậy được giữ gìn”, ông Vũ Trọng Nguyên chia sẻ.