Nỗi lo đội vốn
TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách 17.000 tỷ đồng để xây dựng 2 đoạn đường Vành đai 2 (TP Thủ Đức, TPHCM) với tổng chiều dài hơn 6km. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là dự án thuộc loại đắt đỏ nhất cả nước với chi phi ước tính 2.800 tỷ đồng cho 1km. Điều đáng nói, tháng 11/2020, khi đề xuất chủ trương thì nguồn vốn của dự án trên mới chỉ là 14.600 tỷ đồng (tăng 2.400 tỷ đồng). Nhưng đó không phải là dự án duy nhất bị đẩy lên hàng nghìn tỷ đồng chỉ sau 2 năm.
Dự án xây dựng đường Vành đai 2 ở TP HCM là dự án hạ tầng khổng lồ, chạy vòng quanh để kết nối hầu hết các quận, huyện thành phố trực thuộc. Dự án được phê duyệt từ năm 2007 với quy mô dài 70km nhưng có khoảng 25km là quốc lộ 1A hiện hữu từ trước. Sau 15 năm triển khai xây dựng, dự án hiện bị cắt nhỏ và còn 4 đoạn chưa hoàn thành.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến 2 đoạn đường trên bị đội vốn qua từng năm và chắc chắn sẽ còn tiếp tục đội vốn nếu chưa thể triển khai. Trong đó chủ yếu là giá nguyên vật liệu, nhân công, tiền bồi thường mặt bằng... tăng qua từng năm. Vòng luẩn quẩn dự án bị đội vốn nên phải làm lại thủ tục đầu tư, tìm nguồn vốn mới khiến mất thêm nhiều thời gian, đồng nghĩa với việc dự án tiếp tục bị chậm trễ.
Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư tới 17.000 tỷ đồng cho hơn 6km đường là quá đắt đỏ, kéo theo nhiều bất cập. Trong khi đó, nguồn vốn cho 1 số dự án đang xây dựng như tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết quy mô 6 làn xe dài xấp xỉ 100km nhưng tổng nguồn vốn cũng chỉ 12.500 tỷ đồng. Dự án cao tốc chuẩn bị hoàn thành vào tháng 12/2022 này là Phan Thiết-Vĩnh Hảo dài 101km nhưng cũng chỉ hết 11.000 tỷ đồng.
Tình trạng đội vốn thường lặp đi lặp lại, từ những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng kể trên cho tới các dự án chỉ vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, như xây dựng nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2015 nhằm giải quyết ùn tắc ở cảng Cát Lái. Năm 2016 dự án được khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn còn ngổn ngang, chỉ mới hoàn thành một vài hạng mục. Mặc dù chưa hoàn thành nhưng dự án đã bị đội vốn lên 3.600 tỷ đồng so với dự kiến chỉ gần 2.000 tỷ đồng khi quyết định thực hiện.
Hay như nhóm 3 dự án cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long và cầu Phước Long cũng được phê duyệt, khởi công nhưng nhiều năm qua đang bỏ hoang hiện cũng bị đội vốn vài trăm tỷ đồng/cầu dù quy mô không thay đổi. Cụ thể, cầu Tăng Long ở TP Thủ Đức được khởi công năm 2019 nhưng tạm dừng sau khi thi công khoảng 30% khối lượng công trình. Sau 3 năm bỏ hoang tới nay, dự án này bị đội vốn từ 450 tỷ đồng lên 688 tỷ đồng (tăng 238 tỷ đồng).
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho biết, hiện nay TP HCM có 75 dự án xây dựng hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ theo kế hoạch. Phần lớn trong các dự án này có nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng không đúng theo kế hoạch ban đầu.
Những dự án quan trọng quốc gia bị chậm tiến độ, đội vốn hay thực hiện chưa đúng quy định đang gây bức xúc dư luận.