Đường biên giới thắm tình hữu nghị
Đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước Việt Nam - Lào, biên giới không chỉ là ranh giới hiện hữu trên những tấm bản đồ, trên những mảnh đất thân yêu mà biên giới còn hiện hữu ở trong trái tim để luôn nhắc nhớ nhau, cùng vun đắp, dựng xây trong hòa bình, thắm tình hữu nghị.
Bảo vệ biên giới từ trái tim
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới với tổng chiều dài hơn 2.337 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào là Phongsaly, LuanPrabang, Huaphanh, Xiengkhuang, Bolykhamxay, Khammuan, Savannakhet, Salavane, Sekong và Attapeu. Trải qua nhiều năm, vượt qua các khó khăn, hai nước Việt Nam – Lào đã hoàn thành cắm mốc biên giới ở 1.002 điểm, xây dựng 905 cột mốc và hoàn tất việc lập bản đồ biên giới Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000, bình quân 2,6km biên giới hai nước sẽ có một điểm mốc.
Để có được những thành tựu ấy là sự góp sức bền bỉ của đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước thông qua rất nhiều công việc, cụ thể thiết thực từ các Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và MTTQ Việt Nam cũng như Thông cáo chung Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Cách đây 5 năm, Hội nghị xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước (được tổ chức tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, đúng vào dịp hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm hai ngày lịch sử trong quan hệ hai nước Việt Nam – Lào (40 năm Ngày ký Hiệp ước Hòa bình - hữu nghị 18/7/1977- 18/7/2017 và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 5/9/1962- 5/9/2017).
Sau thành công của Hội nghị, những đoàn xe Lào - Việt nối đuôi nhau chạy xuyên rừng Trường Sơn hướng về phía cửa khẩu Chalo của tỉnh Quảng Bình sang địa phận tỉnh Khammuan (Lào) để tiễn các bạn Lào về nước.
Trên cung đường ấy, biên giới trải ra ngút ngàn màu xanh. Xen lẫn trong màu xanh ngút tầm mắt là những mái nhà đỏ tươi màu ngói bình yên nằm giữa núi rừng, nơi có những gia đình người Việt, người Lào sinh sống. Và dù khá giả hay nghèo khó thì những người bạn Lào đều rất mực quý trọng người Việt Nam anh em.
Phần lớn tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào đều đi qua đỉnh hoặc triền núi và qua rừng rậm nhiệt đới. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân hai nước ở khu vực biên giới từ lâu đã có sẵn mối quan hệ gần gũi, tối lửa tắt đèn có nhau và gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Và có một điều rất đặc biệt, có đi mới thấy, tiếng Việt ở Lào đã trở thành ngôn ngữ thân quen với nhiều người. Chúng tôi nhớ mãi giây phút xúc động ở biên giới Việt Nam - Lào, thuộc địa phận cửa khẩu Chalo, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khammuan, ông Khamphanthoong Thephahac - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Huyện trưởng huyện Bualapha đã nhắc tới hai từ “máu thịt” bằng tiếng Việt - để nói lên quyết tâm cùng nhân dân các vùng biên giới Việt Nam xây dựng, gìn giữ mối quan hệ Việt Nam - Lào như gìn giữ máu thịt của chính mình.
Như con sông Mê Kông vẫn êm đềm chảy qua năm tháng giữa hai đất nước Việt - Lào. Dòng sông ấy cũng đã không ngừng chứng kiến mối quan hệ gắn bó, keo sơn giữa hai dân tộc. Chính vì thế, trong mọi cuộc gặp gỡ, các nhà lãnh đạo đều mang hình tượng con sông để làm niềm tin bền chặt cho mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam - Lào.
Những ngày ở Lào chúng tôi đều có cảm giác như ở Việt Nam vì tình cảm nồng hậu của những người anh em, đồng chí, đồng nghiệp, vì những bữa cơm mang hương vị quê nhà, cũng cơm canh, cá kho, nước mắm và ở đâu cũng vậy, đều được đắm mình trong những vòng xòe lăm vông mê đắm.
Cùng nhau tiến lên
Những chuyến đi mang hương vị ấm áp, rộn ràng như âm hưởng của những bài hát ca ngợi tình hữu nghị Việt Lào anh em – samaki. Samaki - dịch ra tiếng Lào có nghĩa là đoàn kết.
Chúng tôi nhớ những buổi được gặp gỡ, trò chuyện với ông Xixavat Keobunphan, nguyên Thủ tướng nước CHDCND Lào, nguyên Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Lần nào cũng vậy, chủ nhân ngôi nhà đều rất xúc động khi được đón những người bạn từ Việt Nam sang thăm. Nhưng chính ông lại khiến chúng tôi cảm động vô cùng khi nhìn thấy trong ngôi nhà giản dị ấy, những chỗ trang trọng nhất đều được treo ảnh Bác Hồ, ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các vị anh hùng của nhân dân Lào.
Là người gắn bó với các thế hệ lãnh đạo Việt Nam trong quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng mối quan hệ thủy chung son sắt của hai dân tộc Lào - Việt, tình cảm mà ông Xixavat Keobunphan dành cho Việt Nam như dòng máu nóng chảy trong huyết quản, như cách ông nói rất rành mạch bằng tiếng Việt: “Việt Nam luôn ở đây - trong trái tim tôi”, rồi viện dẫn cả những câu thành ngữ của Việt Nam để bày tỏ tâm can: “Ngày xưa mình đã đồng cam cộng khổ để đi qua gian khó bây giờ không lý gì mà lại không cùng nhau tiến lên”. Bây giờ ông Xixavat Keobunphan không còn nữa nhưng ông đã để lại cho cả hai dân tộc một mối tình không bao giờ phai nhạt.
Tình cảm ấy đã khiến chúng tôi trong mỗi lần trở về là thêm một lần mang theo tình cảm thân thương mà người dân ở đất nước tươi đẹp này dành tặng. Như những sợi chỉ buộc cổ tay, nhắn gửi triệu lời chúc tốt lành. Chúng tôi hiểu đó là những tình cảm chân thành nhất bởi sự gắn bó, đồng hành không chỉ của đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước mà còn bởi ơn nghĩa sâu nặng mà nhân dân hai đất nước, hai dân tộc đã dành cho nhau trong suốt những năm tháng qua.
Sau 5 năm, đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước lại có dịp hội ngộ tại Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hữu nghị, hòa bình, hợp tác cùng phát triển năm 2022, được tổ chức tại tỉnh Savannakhet, nước CHDCND Lào.
Năm 2022 cũng là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào Việt Nam”. Trong không khí ấm áp chân tình ấy, trên cơ sở Bản Giao ước thi đua thực hiện Thông cáo chung Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới với Lào, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới; chính sách dân tộc, tôn giáo; Luật Biên giới quốc gia...
Các nội dung hợp tác ngày càng thực chất, sâu rộng, hiệu quả hơn và không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã có sự quan tâm, thống nhất nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển với các nước láng giềng, nhất là đường biên giới Việt Nam - Lào.
Có sức mạnh nào bền bỉ, mãnh liệt hơn sức mạnh xuất phát từ tình yêu. Có biên giới nào được xây dựng, gìn giữ tốt đẹp hơn bằng tình hữu nghị. Chắc chắn rằng, đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước Việt Nam- Lào, biên giới không chỉ là ranh giới hiện hữu trên những tấm bản đồ, trên những mảnh đất thân yêu mà biên giới còn hiện hữu ở trong trái tim để luôn nhắc nhớ nhau, cùng vun đắp, dựng xây trong hòa bình thắm tình hữu nghị.
Từ ngày 21 đến 24/11/2022, Đoàn đại biểu Cấp cao UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn sẽ tham dự Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Lào - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2022 tại tỉnh Savannakhet, nước CHDCND Lào.