Chú trọng bổ sung dinh dưỡng cho trẻ
Làm sao giúp trẻ khỏe mạnh trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành đang là câu hỏi của rất nhiều các bậc phụ huynh. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.
PV: Thời gian qua, số trẻ mắc các bệnh lây nhiễm gia tăng đột biến và nguyên nhân được nhiều chuyên gia cho rằng đó là do cộng hưởng từ nợ miễn dịch. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Bác sĩ Lê Công Tước: Chúng ta có 2 loại miễn dịch là miễn dịch tự nhiên có sẵn trong cơ thể và miễn dịch thu được do cơ thể tạo thêm kháng thể và tế bào miễn dịch học qua quá trình tương tác với virus, vi khuẩn, từ đó cơ thể học cách nhớ các bệnh này. Hệ miễn dịch tự nhiên là miễn dịch phản ứng tại chỗ, nhanh, nhưng không cụ thể, không rõ ràng, không có sự lựa chọn hay trí nhớ miễn dịch trong khi đó miễn dịch thu được là phản ứng chậm hơn, có lựa chọn, và có trí nhớ miễn dịch thông qua tương tác kháng thể với các tế bào khác. Cả người lớn và trẻ em đều có 2 loại miễn dịch này nhưng cách phản ứng của hai loại miễn dịch có thể có kết quả khác nhau với virus.
Ở trẻ em, bảo vệ cơ thể ban đầu chủ yếu là hệ miễn dịch tự nhiên gồm làn da, các dung dịch, tế bào đại thực bào, tế bào bạch cầu. Khi virus vào cơ thể trẻ em, hệ miễn dịch tự nhiên lập tức phản ứng nhanh, nhiều và mạnh, có thể lập tức đánh bại virus ngay lúc virus vừa vào, khi virus chưa có nhân bản nhiều trong lúc đợi miễn dịch thu được phát triển.
Khi trẻ ít tiếp xúc với các virus và mầm bệnh thì hệ miễn dịch có thể cần thêm chút thời gian để bắt kịp với việc nhận ra các mầm bệnh và tấn công chúng. Điều này có thể giải thích lý do vì sao trẻ trước và sau dịch Covid-19 phản ứng khác nhiều khi tiếp xúc với virus. Đơn cử, trước dịch Covid-19, đa số các trẻ trước 2 tuổi đã có tiếp xúc với RSV và có thể đã có kháng thể đặc hiệu. Sau Covid-19, do các lệnh khoảng cách và ít tiếp xúc, trẻ em nhiều khả năng chưa có đủ các kháng thể kháng RVS, dẫn đến bệnh nặng hơn và tỷ lệ nhập viện cao hơn.
Theo ông, biện pháp nào giúp bảo vệ trẻ tốt hơn trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay?
- Đầu tiên là tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng hay nói cách khác, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng để tăng cường miễn dịch tự nhiên và chủ động của cơ thể, bởi dinh dưỡng cung cấp các nguyên tố vi lượng để tổng hợp các thành phần miễn dịch. Đơn cử, vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trẻ trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ.
Có thể thấy, tăng cường vi chất cần thiết cho trẻ có trong các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản nhưng lại đóng vai trò thiết yếu. Trong đó, vitamin A có nhiều trong rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, súp lơ xanh…), các loại gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt... Các loại đậu, hạt có dầu, đậu nảy mầm, tôm đồng, lươn, hàu, sò, thịt bò… chứa nhiều kẽm còn sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ.
Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, người dân cần tránh cho trẻ tiếp xúc với động vật có nguy cơ lây bệnh, cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, chỉ sử dụng những loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Không để trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh hay đồ vật của người nghi ngờ nhiễm bệnh, vệ sinh cho trẻ thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Đặc biệt, cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
Trân trọng cảm ơn ông!