Giáo viên dạy chương trình mới: Sáng làm thầy, tối làm trò

Nguyễn Hoài 21/11/2022 15:01

Trong khi chờ đội ngũ giáo viên mới được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm bổ sung, thay thế thì đội ngũ giáo viên hiện có vừa dạy vừa học thêm để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chủ động bổ sung kiến thức

Tại Trường THCS Đại Hưng (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), thầy Đỗ Anh Tuấn hiện là giáo viên duy nhất của trường được đào tạo chuyên ngành Hóa – Sinh dạy môn tích hợp.

Năm học này được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 7 theo chương trình mới nên khi có lớp học bổ sung kiến thức dành cho giáo viên dạy môn tích hợp, thầy Anh Tuấn đã đăng ký tham gia ngay.

Một tiết học của cô và trò Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Thầy Đỗ Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện rất nhiều kiến thức mới đã đươc bổ sung và thay thế, bởi vậy ở phần kiến thức mà mình chưa tường minh, tôi sẽ nợ lại học trò và trả lời sau. Đi học thêm được các thầy cô ở trường sư phạm trực tiếp giải đáp những điều còn trăn trở, còn thiếu. Dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng cũng phần nào khiến giáo viên tự tin hơn khi lên lớp”.

Sáng làm thầy, tối làm trò, học online 2-4 buổi/tuần, cộng với 3 buổi học trực tiếp vào mỗi cuối tuần, thầy Tuấn cũng như những giáo viên tham gia dạy môn tích hợp thời gian này gần như không có ngày nghỉ. Vất vả, căng thẳng song có lẽ đây là giải pháp tối ưu nhất cho các trường trong khi chờ đợi những lứa giáo viên được đào tạo cho chương trình mới ra trường.

Tương tự, để đáp ứng yêu cầu chuẩn kiển thức, kỹ năng cho chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT, cô Trần Thị Thu Nga, giáo viên Trường THCS Tô Vĩnh Diện (quận Đống Đa, Hà Nội) tranh thủ những ngày cuối tuần theo học chương trình liên thông tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Cô Nga cho biết: “Trước đây, môn Âm nhạc chỉ được giảng dạy ở cấp Tiểu học và THCS, từ năm học 2022 - 2023, môn học này được đưa vào giảng dạy ở khối lớp 10 bậc THPT. Khi được đào tạo, nâng cao trình độ ở Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, tôi cảm thấy tự tin hơn với năng lực của mình. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu cấp THCS, giờ đây tôi có thể dạy được cả ở cấp THPT”.

Vượt lực cản lớn từ thói quen cũ

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện cả nước thiếu hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ nhu cầu thực tiễn, hiện các trường đại học, cao đẳng sư phạm đang tích cực, chủ động cập nhật đào tạo đáp ứng chương trình mới.

Thay vì 400 chỉ tiêu cho cả hai ngành sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc như những năm trước, năm nay Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tăng chỉ tiêu lên 900.

PGS.TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Đào tạo giáo viên không thể “ồ ạt” được ngay, cần căn cứ vào năng lực cơ sở vật chất của trường. Khối lượng sinh viên của trường ra trường chỉ đáp ứng được phần nào so với nhu cầu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trên toàn quốc”.

Dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục trong 1 sớm, 1 chiều. PGS. TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường đang hợp tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các giáo viên ở trường THCS và đào tạo theo đặt hàng của các tỉnh.

Thiếu giáo viên dạy chương trình mới là một thực tế khiến đội ngũ giáo viên bị quá tải và rất áp lực khi thực hiện chương trình. Dù được bồi dưỡng chuyên môn, nhưng hầu hết giáo viên đang phải vừa dạy vừa mày mò, thậm chí có giáo viên dạy trái chuyên môn.

Trước băn khoăn về chất lượng giáo dục, TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, những hiểu biết và thói quen dạy học theo lối thụ động của chương trình cũ đang là lực cản rất lớn đối với giáo viên phổ thông.

Dạy theo yêu cầu của chương trình mới nhưng giáo viên hiện nay không được giảm định mức công việc để có thời gian tiếp cận chương trình mà phải đổi mới chủ yếu bằng tự học ngay chính trong quá trình dạy học theo chương trình mới. Trước thực tế khách quan đó, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, giáo viên phải chấp nhận áp lực rất lớn và xã hội phải chấp nhận những hạn chế nhất định của chất lượng giáo dục chưa thật sự được như mong muốn.

Trước nhiệm vụ mới của ngành giáo dục và trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, TS Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục, chuyển đổi vai trò từ người truyền thụ kiến thức học sang là người hướng dẫn học sinh tìm tòi và vận dụng kiến thức.

“Trường sư phạm chỉ có thể đào tạo ra những giáo viên đáp ứng các yêu cầu chung. Nhưng để giáo dục phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân thì hoạt động giáo dục lại phải phù hợp với từng học sinh, từng hoàn cảnh. Do đó, giáo viên phải tự rèn luyện và học tập suốt đời”, TS Nguyễn Vinh Hiển nêu quan điểm.

Nguyễn Hoài