Quảng Nam: Miền núi chủ động ứng phó thiên tai

Thanh Huyền – Thái Bình 22/11/2022 13:27

Tại Quảng Nam từ đầu mùa mưa bão đến nay nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi chịu nhiều thiệt hại do bão lũ gây ra. Tuy nhiên với phương châm “bốn tại chỗ” đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lụt, bão ở các địa phương. Hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Cụ thể phương châm “bốn tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ các địa phương đã chủ động chống thiên tai, thời tiết cực đoan do mưa bão, lũ gây ra. Mọi việc đã được triển khai chu đáo, tích cực, kỹ càng nên đã đem lại hiệu quả cao. Người dân đã chủ động với mưa, lũ, gió bão, dù bị chia cắt, cô lập do sạt lở đường, đối diện với sạt lở núi.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện tại chỗ.

Như huyện miền núi Đông Giang đã và đang tích cực, chủ động các phương án, biện pháp ứng phó, nhất là nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất. Ông Arâl Bói, Chủ tịch UBND xã Mà Cooih, huyện Đông Giang cho biết: “Để phòng chống bão, lũ, sạt lở núi hiệu quả, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã phân công các thành viên đứng điểm các điểm thôn. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân trong công tác phòng, chống bão đặc biệt là chèn chống nhà cửa, phát quang cây cối gần nhà, gần đường dây điện. Đặc biệt các hộ dân vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở thì chúng tôi di dời bà con đến nơi trú an toàn”.

Trong khi đó, tuyến Tỉnh lộ 611 kết nối giao thông giữa hai huyện Hiệp Đức – Nông Sơn, mỗi khi có mưa lớn, đoạn qua Đèo Le thường xuyên bị sạt lở taluy dương, ước tính khối lượng đất đá tràn xuống đường hàng ngàn khối. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý khẩn trương khắc phục để kịp thời thông xe sau bão lũ.

Các đơn vị quản lý tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận Nam Giang xử lý, khắc phục giao thông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Hạnh – Công ty CP công trình GTVT Quảng Nam cho biết: “Riêng Đèo Le năm nào cũng sạt lở nên chúng tôi bố trí xe máy sẵn sàng cho mọi tình huống. Sau khi kiểm tra thấy sạt lở đất thì các anh em triển khai giải phóng ngay lập tức, đơn vị bố trí hai chiếc xe xúc bên này và bên kia đèo để sớm thông đường, đảm bó an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng của người dân”.

Còn ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng: “Về phương châm 4 tại chỗ thì UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo phương án ứng phó sạt lở đất. Trên cơ sở đó, các xã rà soát di dời người dân đến nơi an toàn. Thứ hai là lực lượng xung kích của xã và các lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho các địa phương trong công tác sơ tán nhân dân. Thứ ba là hậu cần tại chỗ rất quan trọng, tập trung dự trữ lương thực, thực phẩm ít nhất 15 ngày phòng khi cô lập”.

Công nhân Công ty Điện lực Đông Giang túc trực khắc phục sự cố điện.

Chính nhờ làm tốt phương châm 4 tại chỗ mà nhiều nơi miền núi bị sạt lở đất, lũ lụt chia cắt người dân vẫn đảm bảo lượng thực và cùng lực lượng chức năng mở đường thông tuyến nhanh chóng hiệu quả. Như mùa mưa này đã làm tuyến đường ĐH5, đoạn qua thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm bất ngờ đất đá trên sườn núi sạt lở tràn xuống đường gây chia cắt khoảng 170 hộ dân ở thôn này. Ngay lập tức huyện đã chỉ đạo đưa phương tiện máy móc khắc điểm sạt lở đất đá trên tuyến đường ĐH5. Do khối lượng sạt lở 2 điểm trên tuyến đường ĐH5 hơn 3.000 m3 đất đá nên công tác khắc phục khó khăn. Thế nhưng với sự quyết tâm lực lượng xung kích đã nhanh chóng khắc phục sự cố để thông tuyến. Còn người dân cũng an tâm vì đã có sự chuẩn bị chu đáo cho một mùa mưa, bão.

Công nhân công ty Điện lực Đông Giang túc trực khắc phục sự cố điện.

Bà Nguyễn Thị Thu người dân địa phương cho biết: “Do chuẩn bị đầy đủ lương thực và được lực lượng chức năng tuyên truyền kỹ càng về phòng, chống lụt, bão và thông tin dự báo thời tiết chính xác nên chúng tôi an tâm và không quá bị động. Sau khi xảy ra sạt lở đất, đá xuống đường thì huyện đã nhanh chóng huy động các lực lượng xung kích giải phóng đất đá thông đường, người dân chúng tôi càng an tâm”.

Hay như huyện miền Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trận mưa lũ vào ngày 12/10 đã làm tuyến đường ĐH3, đoạn qua địa bàn khu dân cư Tông Pua, thôn 3, xã Trà Cang bất ngờ sạt lở đất đá tràn xuống đường gây chia cắt gần 450 hộ của xã Trà Cang và thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Ngay trong đêm chính quyền xã đã huy động lực lượng quân sự, Công an cùng người dân mở tạm đường đi bộ tránh bên trên điểm sạt lở, sau đó huyện đã huy động lực lượng chức năng tiến hành nhanh chóng khắc phục.

San gạt đất, đá sạt lở tại Đèo Le đường lên huyện Nông Sơn.

Còn ở huyện miền núi Đông Giang, ông Nguyễn Văn Hải sinh sống ở đây cho biết: “Đối với người dân, mùa mưa bão năm nay, bà con đều có các phương án phòng tránh bão, lụt như chằng chống nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cần thiết, các nhu yếu phẩm lương thực, thực phẩm để dự phòng khi có bão lụt xảy ra. Đặc biệt đối với những hộ dân có nguy cơ ngập cao, luôn trong trạng thái sẵn sàng di dời khi có bão, lụt xảy ra”. Ý kiến của ông Hải cũng là ý kiến của hầu hết người dân miền núi Quảng Nam mà chúng tôi đem câu chuyện phòng, chống lụt, bão ra trao đổi.

Biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở do mưa lũ.

Còn UBND tỉnh Quảng Nam, cứ mỗi lần bước vào mùa bão, lũ, để chủ động ứng phó với thiên tai, lãnh đạo tỉnh đều chỉ đạo lên kế hoạch phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, xã, thị trấn chủ động triển khai và tích cực thực hiện những giải pháp trong phòng, chống bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn.

Với phương châm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lụt gây ra. Đặc biệt là đối với khu vực miền núi, khu vực này thường xảy ra trượt lở đất, lũ ống, lũ quét, uy hiếp đến tính mạng và gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng và tài sản của nhân dân. Việc chủ động ứng phó như vậy rất đáng được ghi nhận.

Thanh Huyền – Thái Bình