Nỗ lực vượt qua cú sốc xăng dầu
Năm nay là năm bất ổn của thị trường xăng dầu, thế giới cũng như trong nước. Với thị trường trong nước, thời gian qua có nhiều xáo trộn khi mà người dân có tiền muốn mua xăng cũng khó; từ đó bộc lộ rõ hơn các khiếm khuyết trong điều hành xăng dầu. Vậy, bao giờ thị trường xăng dầu ổn định và vượt qua cú sốc xăng dầu bằng cách nào?
Làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp
Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu trong nước diễn biến phức tạp, hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động còn xảy ra tại nhiều địa phương. Đến thời điểm hiện tại “cơn khát” xăng dầu phần nào được hạ nhiệt, khi tại các cây xăng không còn cảnh xếp hàng, chờ đợi để mua xăng. Vậy nhưng, về sâu xa, các bất ổn thiếu hàng, tình trạng bán nhỏ giọt trên thị trường xăng dầu hoàn toàn có thể lặp lại khi bối cảnh chung về nguồn cung xăng dầu của thế giới hỗn loạn.
Để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và quyền lợi của người tiêu dùng, cuối tuần vừa qua Bộ Công thương tiếp tục có Công điện số 7322/CĐ-BCT gửi Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT các tỉnh, thành phố về giám sát việc thực hiện cam kết, nghiêm túc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân đầu mối; công ty con, chi nhánh của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hoạt động trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung biên bản cam kết đã ký về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 7196/CĐ-BCT ngày 12/11/2022 của Bộ Công thương về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký biên bản cam kết với các DN kinh doanh xăng dầu.
Tại công điện này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Thủ trưởng cơ quan QLTT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.
Có thể nói, chưa năm nào các thông điệp nóng từ Chính phủ cũng như từ các bộ ngành, các cuộc họp diễn ra nhiều như năm nay với mục đích tập trung xử lý dứt điểm tình trạng thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Thị trường xăng Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn bởi những biến động khó lường trên thị trường thế giới. Từ khi bắt đầu bùng phát xung đột tại Ukraine, giá xăng dầu thế giới tăng đến 60%. Thời điểm tháng 6 giá xăng nội địa lên tới 32.850 đồng/lít sau đó đã hạ nhiệt về 23.000 đồng/lít. Từ đây nguồn cung xăng dầu bộc lộ nguy cơ đứt gãy, DN kinh doanh lỗ, không có tiền để nhập hàng tiếp. Chi phí kinh doanh xăng dầu cũng được cho là chưa theo kịp diễn biến thực tế trên thị trường khiến nhiều DN đầu mối “kêu khóc”; nhiều đại lý gián đoạn nguồn hàng, gây nên những khó khăn rất lớn trên thị trường. Nhiều ý kiến kêu gọi Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải vào cuộc, tìm gốc rễ nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp.
Giải bài toán chi phí kinh doanh
Để ổn định thị trường xăng dầu, cần tổng hòa các giải pháp như nâng cao năng lực giám sát của cơ quan quản lý, nâng cao tính tự chủ sản xuất xăng dầu của các nhà máy lọc hoá dầu trong nước, song trước mắt, vẫn là tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, từ đó ổn định sản xuất kinh doanh, giữ cho dòng chảy xăng dầu được thông suốt.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, tránh được những biến động như thời gian vừa qua, DN rất mong muốn tính đúng, tính đủ, còn lại chi phí vẫn để cho DN tự quyết định. Như vậy, mới tạo ra thị trường cạnh tranh và bình đẳng.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay, chúng ta phải xác định cho sát với thực tế. Như vậy DN mới có thể tồn tại được. Và trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cũng cần phải chia sẻ. Đồng thời, với tình hình giá xăng dầu thế giới có chiều hướng tăng cao, cũng phải xem xét lại chính sách thuế để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Một điều quan trọng nữa để đảm bảo cho thị trường xăng dầu vận hành ổn định đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành phải hết sức nhịp nhàng và có sự đồng thuận cao.
Ông Long cho biết thêm, trong bối cảnh xăng dầu còn nhiều biến động, việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp cần thiết. Việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo có thể chi phí ban đầu cao, nhưng lâu dần với việc thu hút đầu tư tăng, chi phí đầu tư sẽ giảm, điều này sẽ giúp chúng ta tận dụng được nguồn năng lượng vô hạn. Tuy nhiên cũng cần cơ chế chính sách sử dụng tiết kiệm năng lượng kể cả người sản xuất cũng như người sử dụng.
Trong khi đó PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước mắt nên rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023. Từ đó có những kế hoạch nhập khẩu hoặc nhập hàng để đáp ứng nhu cầu.
“Chúng tôi cho rằng nếu cần thiết thì phải có điều chỉnh để giá nhập về phải tương xứng với giá mua trong nước để các DN bình đẳng với nhau. Phải có cơ chế cụ thể giữa DN đầu mối và DN cung ứng, bán lẻ để từ đó có hoạt động tương đối độc lập của các DN. Là DN độc lập thì anh phải tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cũng như lãi lỗ từ đó đảm bảo tính cạnh tranh tốt hơn” - ông Thịnh nói và nhấn mạnh về lâu dài phải hướng đến kinh tế thị trường, ở đó Nhà nước chỉ định ra cái khung còn DN dần dần phải nới rộng ra để họ có quyền hoạt động độc lập, quyền quyết định về giá, quyết định về chi phí. Nếu DN nào tiết kiệm được chi phí thì DN đó được hưởng.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, cơ quan này đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý tình huống thiếu xăng dầu của thị trường hiện nay, như chỉ đạo các thương nhân đầu mối cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường, xả nguồn dự trữ thương mại. Bộ cũng yêu cầu hai nhà máy lọc dầu tăng tối đa công suất cho phép; tăng kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu... Mấu chốt hiện nay vẫn là nguồn cung xăng dầu trên thế giới khó khăn, Việt Nam không nằm trong đối tượng ưu tiên bán của các nước.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược đầu vào của sản xuất, giá xăng dầu là một chuyện nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo được nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn. Chỉ cần một số cây xăng đóng cửa vì lý do hết hàng sẽ tạo tâm lý hoang mang cho dư luận. Do vậy ngoài việc điều hành giá, Bộ Công thương - Tài chính cần phải làm mạnh hơn việc điều tiết cung - cầu thị trường.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, sử dụng cho hầu hết các ngành sản xuất, đồng thời cũng sử dụng trong tiêu dùng. Giá bán phải được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bộ Công thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.
Ngày 21/11, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm sau 4 lần tăng trước đó. Cụ thể, theo điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều 21/11, giá xăng RON 95-III giảm 80 đồng, về 23.780 đồng/lít; E5 RON 92 là 22.670 đồng/lít, tương đương hạ 40 đồng. Trừ dầu mazut tăng 20 đồng lên 14.780 đồng/kg, các mặt hàng dầu khác đều giảm. Dầu diesel giảm 180 đồng, về 24.800 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá mới là 24.640 đồng, hạ 100 đồng so với cách đây 10 ngày.