Doanh nghiệp khốn đốn vì tin giả
Tin giả, xấu, độc không chỉ có sức công phá nền kinh tế mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia. Đặc biệt, khi những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp xuất hiện thì lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả. Tin giả nhưng đang gây hậu quả thật.
Tin giả phá doanh nghiệp
Nhà đầu tư chứng khoán, không ai không biết đến việc lãnh đạo công ty chứng khoán VNDirect đã phải mời công an vào cuộc, trực tiếp chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để truy tìm và xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt về công ty.
Do bị dính đến tin đồn bảo lãnh và phát hành trái phiếu cho một tập đoàn lớn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp nhiều sóng gió, giá cổ phiếu của VNDitect liên tục rớt sàn. Thời điểm “dính” tin đồn (26/10/2022) giá cổ phiếu VNDirect (VND) chỉ còn 10.650 đồng/cổ phiếu sau khi ở mức đỉnh xấp xỉ 35.000 đồng (tháng 4/2022).
Theo ông Nguyễn Vũ Long - Quyền Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Vndirect, những thông tin sai lệch về DN đã ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của DN với các đối tác.
Gần đây nhất, Chủ tịch HĐQT HDBank Kim Byoung-Ho đã phát đi thông báo liên quan đến một số thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội. Trong đó, tài khoản giả mạo đã lấy tài khoản Facebook người vi phạm pháp luật để phát tán nội dung bịa đặt. Để bảo vệ thương hiệu trước những thông tin sai sự thật, lãnh đạo của HDBank đã gửi đến cơ quan chức năng kiến nghị làm rõ và xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai trái, ảnh hưởng DN, thị trường, bảo vệ khách hàng và các nhà đầu tư chân chính.
Tin đồn giả nhưng hậu quả là thật. Đơn cử, trong ngày xuất hiện tin đồn liên quan đến HDBank, cổ phiếu ngân hàng này lao dốc liên tục và rớt chạm sàn 13.800 đồng/cổ phiếu. Nhiều DN bị “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng vốn hóa, thị trường chứng khoán tràn sắc đỏ, hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, nhà đầu tư đồng loạt yêu cầu rút trái phiếu trước hạn khiến DN khốn đốn.
Số liệu thống kê cho thấy, hai năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã ra gần 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền phạt này quá nhỏ so với tác hại mà tin giả gây ra đối với xã hội.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), những năm gần đây với sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam, tin giả ảnh hưởng rất lớn đến DN. Khi những tin đồn về tình hình kinh doanh của DN, người đứng đầu DN hay những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, DN sẽ lĩnh hậu quả. Xuất hiện tin giả, cổ phiếu của DN xuống giá, ngân hàng mà DN đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về “sức khỏe” của DN, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng và ảnh hưởng dây chuyền đến đối tác.
Chủ động đối phó với tin đồn
Giới chuyên gia chỉ ra, những đối tượng tung tin thất thiệt hiện gồm 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm cố tình đăng tải thông tin tiêu cực, họ luôn tìm những điểm xấu hoặc bóp méo thông tin. Thứ 2 là nhóm những người không có thông tin đầy đủ, nhưng dựa vào hiểu biết hạn chế đã đưa ra những thông tin sai lệch. Thứ 3 là nhóm không có thông tin nhưng muốn “câu view” nên sẵn sàng lan truyền những thông tin chưa kiểm chứng.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ tháng 4/2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả của Cục đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến để phân loại xử lý, đóng dấu tin giả. Ngoài ra, Cục cũng có tài khoản, fanpage trên Facebook để tiếp nhận, phối hợp với các tỉnh thành, các Bộ, ngành để tiếp nhận và xử lý tin giả.
“Các DN khi gặp tin giả cũng có những cách liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để được hướng dẫn, không chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm tin giả, đây là quy trình thông thường, còn khi có những vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý theo hướng ưu tiên” - ông Tự Do lưu ý.
Tuy nhiên, theo vị này, các DN vẫn chưa chủ động, chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông mới tiến hành xử lý nên thường bị chậm trễ. “Ngay cả khi cơ quan quản lý nhà nước đã dự báo, yêu cầu DN phải chuẩn bị thông tin kịp thời để trấn an dư luận vẫn có ít DN để tâm. Khi gặp khủng hoảng truyền thông, các DN phải có những cách ứng xử quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và nếu có biện pháp chủ động sẽ giảm thiểu tin đồn thất thiệt” - ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo.
Hiện nay trong việc xử lý tin đồn, tin giả, tin thất thiệt, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam tương đối đầy đủ. Pháp luật cũng phân định rất rõ, nếu đối tượng lan truyền tin giả chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý vi phạm hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm hay thiệt hại vật chất cho tổ chức, cá nhân thì có thể bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên khi tổ chức, DN bị tung tin đồn sai sự thật dẫn đến bị thiệt hại, để xác minh thiệt hại thì theo quy định về bồi thường khá phức tạp. Chưa kể để DN chứng minh thiệt hại đó là khá rắc rối, đôi khi cần hóa đơn, chứng từ, ra toà còn xem xét, cân lên đặt xuống, khi đó DN “được vạ thì má sưng”.
Do vậy, giới chuyên gia cho rằng cần có biện pháp lọc, gỡ bỏ những thông tin sai sự thật. Bên cạnh đó, cần truy tìm những đối tượng phát tán những thông tin sai sự thật và thu thập các thông tin tài liệu để làm việc, xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Doanh nghiệp phải có những chiến lược bảo vệ mình
DN phải có những chiến lược để bảo vệ mình trước tin độc, tin giả. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của mình cần làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước để hỗ trợ DN. Về phía người dân, mỗi cá nhân phải ý thức, trách nhiệm với cộng đồng thì chúng ta mới có được môi trường lành mạnh.