Phải xây dựng bộ lọc cho riêng mình
Không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả trên không gian mạng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; gây thiệt hại về kinh tế... Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Phạm Ba Đô - Công ty Luật TNHH SJKLAW cho rằng các cá nhân cần xây dựng bộ lọc cho riêng mình.
PV: Ông có thể đánh giá về thực trạng phát tán tin giả trên mạng xã hội hiện nay, thưa ông?
Luật sư Phạm Ba Đô: Hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội không những gây ra thiệt hai cho doanh nghiệp (DN), mà còn đối với cả các cá nhân. Hậu quả, hệ lụy của thực trạng này không hề nhỏ. Khi thông tin chưa được kiểm chứng một cách khách quan và xác thực, các cá nhân đã đăng tải hoặc dẫn lại bài đăng hoặc tương tác tới bài viết này, làm cho sự việc này ngày càng được quan tâm và lan rộng, dẫn tới không thể kiểm soát được việc truyền tải tin giả.
Nhiều sự việc cho thấy, các cá nhân chưa thực sự hiểu rõ về hậu quả của việc đưa và truyền tải tin giả đối với các cá nhân, tổ chức được nhắc đến trong những thông tin này, cũng như các hậu quả pháp lý.
2 năm qua, các cơ quan chức năng đã ra gần 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Song, dường như các đối tượng vẫn không e dè trước các chế tài khi mà tình trạng này vẫn diễn ra ngày một phức tạp hơn?
- Các biện pháp về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung tin giả, tin sai sự thật tại Nghị định số 15/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cũng như chế tài xử lý hình sự đối với “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” được quy định tại Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 là công cụ để xử lý các hành vi vi phạm này.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng ở việc áp dụng đối với các cá nhân/tổ chức đưa tin hoặc đăng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội. Còn những hành vi truyền tải thông tin dưới hình thức “tương tác” hoặc “dẫn lại bài đăng” tin giả, tin sai sự thật lại chưa bị xử lý. Ngoài ra, các cá nhân tung tin giả có sự cân nhắc giữa việc bị xử lý với lợi ích đạt được nên có sự “cố tình” trong hành vi...
Người dân rất dễ dàng vấp phải các thông tin giả trong rừng thông tin hiện nay và chia sẻ mà không hề hay biết độ nguy hiểm của thông tin. Ông có khuyến cáo gì, thưa ông?
- Trước hết, các cá nhân cần xác định rõ, các thông tin trên mạng xã hội chỉ là thông tin tham khảo. Cá nhân phải tự trang bị cho mình kiến thức, tự xây dựng bộ lọc cho riêng mình. Thứ hai, cần nâng cao hiểu biết về cách thức nhận biết tin giả, cụ thể là cảnh giác với các tin giật gân, các vấn đề sự việc được nhấn mạnh nhưng khó có thể xảy ra trên thực tế, hoặc các bài đăng có dẫn link kèm theo nhưng thông tin về đơn vị chủ quản, người chịu trách nhiệm đối với trang thông tin không rõ ràng, hoặc không có thực. Cuối cùng, cần sự chung tay của các cơ quan báo chí trong việc chủ động tìm hiểu, xác minh tin tức, sự kiện được cho là tin giả để kịp thời thông tin chính xác, công bố/phản bác tin giả giúp cho người dân, doanh nghiệp tránh được những hệ lụy xấu.
Trân trọng cảm ơn ông!