Cấp bách tăng lương để 'giữ chân' giáo viên

Dung Hòa 22/11/2022 07:14

Liên quan đến việc tăng lương, phụ cấp cho giáo viên yên tâm công tác, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học.

Một điểm trường vùng cao. Ảnh: Mạnh Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong 2-3 năm đầu. Đối với giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn thì được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) sau 5 năm công tác lương có thể đạt 6 triệu đồng/1 tháng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng công sức.

Cũng theo ông Sơn, chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Con số này chiếm khoảng 1% lực lượng nhà giáo nói chung (gồm cả công và tư). Cụ thể hơn, con số nói trên phát sinh phần lớn là bậc mầm non và tiểu học, xảy ra chủ yếu ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Một phần trong số đó bị buộc chuyển việc bất đắc dĩ vì gần 1.000 cơ sở mầm non, cả quy mô trường và nhóm trẻ giải thể, đóng cửa nên gọi nhóm này là mất việc làm thì chính xác hơn, số này khoảng hơn 2.000 giáo viên. Số khác mất việc tạm thời và đã làm việc trở lại khi 1.560 cơ sở nhóm trẻ tư thục hoạt động trở lại dịp đầu năm học vừa rồi.

Nhìn chiều cạnh khác, như vậy 99% nhà giáo trên khắp đất nước vẫn đang bám trường, bám lớp cùng học sinh. Số đông vẫn đang khắc phục khó khăn, đảm bảo việc dạy và học cùng các hoạt động của nhà trường. Đại bộ phận giáo viên vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, đổi mới, tự đổi mới, đương đầu với thách thức và yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học và kiểm tra đánh giá… Đây là điều cần ghi nhận và đánh giá cao, không bởi 1% giáo viên vì nhiều lý do khác nhau rời nghề mà giảm đi niềm tin hoặc có cái nhìn ảm đạm về nghề giáo.

Tuy nhiên, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng cảnh báo chúng ta nhiều điều, rằng cần quan tâm hơn tới nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học, quan tâm hài hòa cả tới đội ngũ giáo viên cả hệ thống công và tư. Trong đó có đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, để cải thiện đời sống, nâng lương cho một bộ phận chiếm hơn 70% viên chức cả nước sẽ phải từng bước cải thiện dần.

Nhìn rộng ra, có rất nhiều yếu tố để giáo viên gắn bó với nghề chứ không chỉ vấn đề về lương. Đó còn là vấn đề về cơ hội phát triển nghề nghiệp, phát triển chuyên môn, vấn đề về môi trường làm việc, môi trường học đường, nguyên tắc, thái độ của học sinh, phụ huynh, xã hội và cả tâm thái nghề nghiệp của giáo viên. Tất cả những điều đó cần phải có những bước chăm lo, cải thiện để nhà giáo có thể gắn bó hơn với nghề.

Bộ GDĐT cũng đã đề xuất điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở. Bộ GDĐT cũng sẽ rà soát các chế độ chính sách quy định về quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.

Dung Hòa