Vụ nghi ngộ độc tại Trường iSchool: Vẫn bị ảnh hưởng sau khi ra viện
Các cháu sau khi xuất viện, trong cơ thể vẫn còn một số chỉ số khi xét nghiệm không đạt chuẩn và chỉ số này có thể kéo dài hàng tháng nên cần nhập viện ngay khi cảm thấy đau trở lại.
Sáng 22/11, Đoàn công tác Bộ Y tế do ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn cùng một số chuyên gia của Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã đi thăm một số bệnh viện và làm việc với Sở Y tế Khánh Hòa về sự cố ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho biết từ tối 17/11 đến sáng 22/11, các bệnh viện của tỉnh tiếp nhận 648 học sinh Trường iSchool Nha Trang nghi ngộ độc thực phẩm.
Hiện nay, các bệnh viện đang điều trị 205 ca và ghi nhận một ca tử vong.
Tính đến 7 giờ ngày 22/11, các bệnh nhân đã ổn định, 21 ca nặng (ghi nhận ngày 20/11) hiện đã ăn uống được.
Ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, nhận định các bệnh viện đã tập trung nguồn nhân lực, kịp thời cứu chữa bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, các bệnh viện bám sát phác đồ của Bộ Y tế.
"Nhìn chung tất cả bệnh nhân nhập viện đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt... sau khi ăn từ 6-9 giờ. Về mặt vi sinh, các bệnh viện đã tiến hành nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân), kết quả cho thấy tác nhân gây bệnh là Salmonella group, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh," ông Trịnh Ngọc Hiệp cho biết thêm.
Ông Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, tại cuộc họp thông tin: Ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã khẩn trương thực hiện các xét nghiệp theo đúng quy trình, chuyên môn.
Dự kiến trong chiều 22/11 sẽ cho kết quả chủng vi khuẩn có trong các mẫu thực phẩm học sinh Trường iSchool Nha Trang ăn ngày 17/11.
Giám đốc Trung tâm chống độc-Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Trung Nguyên cho rằng sự cố ngộ độc tập thể ở trường học lần này là ngộ độc thực phẩm nhiễm trùng đường tiêu hóa, trực tiếp và cục bộ tại chỗ ở bộ phận ruột, một số ít ảnh hưởng đến bộ phận khác trong cơ thể.
Loại ngộ độc thực phẩm này phổ biến trên thế giới.
Đối với bệnh nhân sau khi ra viện, dạ dày vẫn bị ảnh hưởng nên ăn uống sẽ khó chịu. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn mềm rồi tăng dần lên, tránh thức ăn gây đau dạ dày như chua, cay, ngọt...
Đặc biệt, người nhà và bệnh nhân cần lưu ý giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi đại tiện, trước khi chế biến thức ăn.
Các cháu sau khi xuất viện, trong cơ thể vẫn còn một số chỉ số khi xét nghiệm không đạt chuẩn. Chỉ số này có thể kéo dài hàng tháng, nhưng quan trọng hơn là các biểu hiện bệnh. Bệnh nhân nên đi xét nghiệm, nhập viện ngay khi cảm thấy đau trở lại.
Kết luận cuộc họp, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Sở Y tế Khánh Hòa trong việc chỉ đạo, phối hợp công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân, niêm phong, xét nghiệm mẫu thức ăn để tìm nguyên nhân.
Các bệnh viện đã có sự phân loại bệnh nhân theo mức độ bệnh và sự ưu tiên cấp cứu, điều trị cho ca bị ngộ độc. Ngoài ra, các bệnh viện có sự nhận định bệnh, xác định phác đồ điều trị đúng hướng.
“Đoàn công tác Bộ Y tế qua kiểm tra thực tế ở các bệnh viện từ chiều 21/11 đến sáng nay cùng các thông tin, báo cáo chẩn đoán từ Sở Y tế Khánh Hòa nhận định đây là vụ ngộ độc tập thể với số lượng khá lớn (hơn 600 học sinh và thầy, cô giáo).
Với ngộ độc thức ăn lần này, chẩn đoán nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella. Các bệnh nhân cơ bản đều có các triệu chứng, dịch tễ học, kết quả mẫu xét nghiệm bệnh phẩm giống nhau,” ông Vương Ánh Dương nói.
Đoàn công tác đề nghị các bệnh viện tại tỉnh tiếp tục thu dung, điều trị cho bệnh nhân Trường iSchool Nha Trang ngộ độc thức ăn.
Đối với trường hợp ra viện, các bác sỹ phải có lịch hẹn tái khám, thông tin, tuyên truyền để ổn định tâm lý cha mẹ học sinh; hướng dẫn cha mẹ vệ sinh thân thể cho học sinh đã xuất viện.
Để ngăn chặn sự việc tương tự xảy ra, Sở Y tế Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng đưa ra nguyên nhân để có hướng xử lý.