Nam Định: Đã có xã đầu tiên được Chủ tịch tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Duy Hưng 22/11/2022 19:21

Ngày 22/11, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, về việc công nhận xã Giao Phong, huyện Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực Giáo dục năm 2022.

Đây là xã đầu tiên trong số 204 xã, thị trấn của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu với 1 lĩnh vực nổi trội.

Trước đó, trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Nam Định đã có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; từ năm 2021 đến nay, tỉnh có 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ban hành hôm nay, 22/11.

Liên quan Quyết định trên của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, trước đó, vào ngày 16/11, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định Nguyễn Doãn Lâm đã ký Tờ trình, gửi UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định công nhận xã Giao Phong - huyện Giao Thuỷ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về Giáo dục năm 2022.

Trước nữa, vào ngày 15/11, Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nam Định, gồm 20 thành viên là lãnh đạo, đại diện các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, do Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng làm Chủ tịch đã tổ chức họp xét công nhận xã Giao Phong đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về Giáo dục năm 2022.

Theo biên bản cuộc họp, trên cơ sở báo cáo về kết quả khảo sát, thẩm định của Sở NN và PTNT tỉnh, báo cáo kết quả tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội đồng đã thảo luận, thống nhất đánh giá xã Giao Phong đáp ứng được 4 điều kiện xét công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 18/2022/QĐ-Ttg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu quy định của xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2022, trong đó đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về Giáo dục; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; có tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đáp ứng yêu cầu theo quy định; xã không phức tạp về an ninh trật tự theo quy định của Bộ công an.

Hội đồng sau đó đã bỏ phiếu với kết quả 20/20 thành viên đồng ý xã Giao Phong đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về Giáo dục; thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận.

Nông thôn xã Giao Phong (Giao Thủy - Nam Định) ngày nay.

Được biết, xã Giao Phong nằm ở phía tây nam huyện Giao Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 12 km, giáp với Khu du lịch biển Quất Lâm. Xã rộng 756,6 ha, có 2.467hộ, 6.835 khẩu, sinh sống ở 11 xóm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, dịch vụ, thương mại, nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Xã hiện chỉ còn dưới 1/% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Quá trình xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí kiểu mẫu, xã Giao Phong đã huy động 196.663 triệu đồng để thực hiện. Riêng lĩnh vực giáo dục, hệ thống các trường học từ Mầm non đến THCS của xã đều đạt các tiêu chí chuẩn quốc gia, “xanh - sạch - đẹp - an toàn”…

Giáo dục là một trong những lĩnh vực nổi trội ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Giao Phong. Trong ảnh: Trường Mầm non xã Giao Phong.

Quyết định của UBND tỉnh Nam Định về ban hành tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh (ban hành ngày 8/8/2022) quy định:

Xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 -2025 là xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018 - 2020 phải đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2025: Năm 2021 bằng hoặc hơn 66 triệu đồng; năm 2022 bằng hoặc hơn 72 triệu đồng; năm 2023 bằng hoặc hơn 83 triệu đồng; năm 2024 bằng hoặc hơn 93 triệu đồng; năm 2025 bằng hoặc hơn 103 triệu đồng. Với các tiêu chí này, UBND tỉnh quy định hàng năm sẽ rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Có ít nhất 1 mô hình thôn/xóm thông minh (có ít nhất 1 “Tổ công nghệ số cộng đồng”; có sản phẩm tiêu biểu của người dân trong thôn/xóm được giới thiệu, bán hàng trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc được bán trên sàn thương mại điện tử; có ít nhất 1 điểm wifi miễn phí phục vụ người dân tại điểm tập trung công cộng; trên 70% người dân được bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp).

Đạt tiêu chí quy định xã NTM kiểu mẫu theo ít nhất 1 trong các lĩnh vực nổi trội nhất, gồm:

Về sản xuất: Sản phẩm chủ lực của xã có liên kết theo chuỗi giá trị, sản lượng tiêu thụ trong chuỗi liên kết đạt 50% trở lên.

Về giáo dục: Các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, trong đó có ít nhất 1 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; các cơ sở giáo dục đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Về y tế: Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt bằng hoặc hơn 92%.

Về văn hóa: Có mô hình văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đặc thù phù hợp với địa phương, thu hút từ 60% trở lên số người thường trú trên địa bàn xã tham gia; mỗi thôn/xóm có ít nhất 1 đội hoặc 1 câu lạc bộ văn hóa, văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian độc đáo,… thu hút đông đảo người dân tham gia, hoạt động thường xuyên, phát huy hiệu quả.

Về môi trường: Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn xã thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt đạt 100%; có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả đạt trên 80% tổng số hộ gia đình.

Về an ninh trật tự: Không thuộc danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự theo Quyết định của Bộ Công an và danh sách xã trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội theo Quyết định của Ban chỉ đạo 138 của tỉnh; 2 năm gần nhất đề nghị xét công nhận NTM kiểu mẫu không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội từ nghiêm trọng trở lên; có từ 3 mô hình về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (trong đó có 1 mô hình sử dụng hệ thống camera giám sát); xã được phân loại “Xuất sắc” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về chuyển đổi số: 100% cán bộ công chức xã, tổ công nghệ cộng đồng của xã, thôn/xóm được bồi dưỡng, tập huấn các nội dung về chuyển đổi số; có Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh thông minh); có bảng tin điện tử công cộng.

Duy Hưng