Người tiêu dùng nghi ngờ nhiều sản phẩm nông sản

Quốc Định 22/11/2022 18:37

Chiều 22/11, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp”. Diễn đàn được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia đóng góp ý kiến.

Tại diễn đàn, đại diện Ban tổ chức đánh giá, hiện nay mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về chất lượng nông sản và thực phẩm có khi còn cao và sâu hơn người sản xuất nên người tiêu dùng luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường, dù cho đó là những sản phẩm của HTX, doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ được phân phối vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp” được tổ chức chiều 22/11/2022.

Những nghi ngờ của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế hiện nay, nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và khẳng định được chất lượng nông sản trên thị trường.

Chia sẻ tại đây, ông Dương Văn Sáu – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho rằng, chuỗi giá trị ngành lúa gạo vẫn còn đang bị chia cắt quá nhiều và nông dân là nhưng người đồng hành cùng doanh nghiệp lại là nhưng người thiệt thòi nhất. Câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn thương xảy ra.

Theo ông Sáu, chắc chẵn nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hoá năng cao năng suất lao động, thực hiện phân công lại lực lượng lao động trong nông nghiệp.

Đại diện Vinaseed đề nghị, tạo một nền nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững, xây dựng được các chuỗi cung ứng từ đầu vào – cung cấp dịch vụ ( vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tài chính, bảo hiểm)- Thu mua chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu và trong chuỗi đó phải lấy nông dân là vụ trí trung tâm.

Bên cạnh đó, ông Sáu cũng mong muốn, cần thúc đẩy tích tụ ruộng đất thông qua hỗ trợ nông hộ dồn điền, đổi thửa. Khuyến khích hình thành các HTX, tổ chức liên kết các nông hộ. HTX và các tổ chức này sẽ có vai trò cầu nối trung gian, đại diện các nông hộ đứng lên thỏa thuận với doanh nghiệp, đảm bảo sự cam kết của các bên tham gia. “Với cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế và có các chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ”, ông Sáu nhấn mạnh.

Một đại biểu đóng góp ý kiến tại diễn đàn.

Trong khi đó, ông Henry Bùi, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ khẳng định, chất lượng và thông tin truy xuất nguồn gốc chính là giấy thông hành cho xuất khẩu nông sản. Nhiều năm nay, công ty ông Bùi đã sở hữu những kỹ thuật để phân tích, xác định chất lượng, truy xuất được nguồn gốc của nông sản bằng công nghệ phân tử, cụ thể là thông qua các đồng vị bền. "Kỹ thuật phân tích đồng vị bền cho phép phân tích thành phần của các hợp chất cụ thể, giúp thăm dò sâu hơn vào các quy trình cơ bản chịu trách nhiệm về thay đổi môi trường hoặc sinh thái ở cấp độ phân tử", ông Henry Bùi nói.

Cụ thể hơn, khi ứng dụng công nghệ này, công ty ông Bùi có thể xác định được dấu vết của đường trong mật ong, nguồn gốc hữu cơ của thanh long, các chất pha thêm vào nước ép trái cây, phân biệt tôm sú nuôi với tôm sú tự nhiên hay xác định phân bón sử dụng có phải hữu cơ hay không. Với những khả năng nói trên, ông Bùi, cho rằng, kỹ thuật phân tích đồng vị bền mở lối cho kỷ nguyên xác thực nguồn gốc nông sản và tất cả các chủng loại thực phẩm.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng - với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực.

Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.

Khó khăn tiếp theo là thời gian, trong đó bao gồm thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, thời gian lập và lưu trữ hồ sơ, thời gian đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin.

Để giải quyết những khó khăn này, bà Hạnh đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tào về tiêu chuẩn.

“Người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.”, bà Hạnh gợi ý.

Quốc Định