Bãi cát vàng 'bất khả xâm phạm' trên dải Lô giang
Nhiều năm phải canh làng, quyết chiến với “cát tặc”, người làng Long Châu mới giữ được bình yên một dải cát vàng ven sông Lô. Câu chuyện bảo vệ tài nguyên ở ngôi làng cổ thuộc xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ thật đáng để người ta suy ngẫm.
“Thủy chiến” giữa thời bình
Giữa trưa nắng, bước chân của Trưởng thôn Đặng Văn Thú cứ phăm phăm trước khi dẫn phóng viên ra phía bờ sông Lô. Vừa đi vừa kể, chất giọng chắc khỏe rõ từng lời của ông Thú cùng những ký ức "thủy chiến" năm nào với đám “cát tặc” dội về.
Theo lời kể của Trưởng thôn Đặng Văn Thú, mờ sáng 7/4/2016, những đối tượng lạ mặt xuất hiện ở bến Ông Lã ven làng Long Châu (xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) với thái độ hung hăng. Chúng phá khóa tháo trộm thuyền máy của dân làng bơi ra phía chiếc tàu cuốc và chiếc phao cẩu khổng lồ đang neo đỗ giữa phân thủy dòng sông (bên kia bờ là xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) để lai dắt vào bến. Dường như hai "quái vật" thép bị hỏng cần sửa chữa sau gần hai tháng “oanh tạc” cát, sỏi đoạn sông này. Họ xưng danh là người của Công ty TNHH Thái An đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác.
Dân gõ trống hò nhau chạy ra. Làng như cực chẳng đã, cả đàn ông, đàn bà, già, trẻ ào xuống dòng sông giữ rịt “quái vật” làm huyên náo cả một vùng. Lực lượng cảnh sát về, dân tố cáo luôn chuyện Công ty Thái An đã từ lâu sục vòi hút cát ở bến Ông Lã, bị xua đuổi nhiều lần nhưng chứng nào tật nấy. Họ còn dọa đánh bất kỳ ai ở làng. Những năm 2015, 2016, và tận cuối 2017 không một ngày bình yên. "Còn rất nhiều tàu cuốc lạ xâm nhập trộm cát, tôi không nhớ đã bao lần cả làng phải ra xua đuổi" - ông Trưởng thôn kể tiếp.
Làng Long Châu phân công người túc trực. Trai làng đi công tác ở xa về cũng phải tranh thủ tuần tra. Dựng lán, chuẩn bị gậy, xẻng, cán chổi, giăng điện ra ven bãi. Hễ nghe tiếng máy nổ từ phía sông vọng vào đều có thể khiến người làng bật dậy như một phản ứng bản năng. Có lần đêm khuya, bà Trần Bích Lợi (khi đó là Trưởng thôn) đã hô đủ 50 trai làng bơi thuyền ra ứng phó tàu cuốc. Dân xã hội đen xăm trổ táo tợn được “cát tặc” huy động từ đâu về, chúng phóng cà-vẹt (ca nô tốc độ cao) đánh võng tạt sóng hòng nhấn chìm thuyền làng. Đao kiếm vung lên bất chấp. Trai làng bị hành hung, có người đứt cả bàn tay, máu loang trên vạt cát vàng.
Đơn kêu cứu gửi đi. Cử tri, cán bộ xóm, hội phụ nữ, Ban Công tác Mặt trận, người về hưu, tất thảy đồng loạt kiên trì nêu ý kiến. Đã mấy lần cả trăm người kéo ra tận Ủy ban tỉnh. Rồi cũng được gặp lãnh đạo để đối thoại. Không mấy thay đổi, chỉ lắng dịu vài bữa, “cát tặc” vẫn rình rập, có lúc đông như trẩy hội. Dân kéo ra xua đuổi, tàu “quái vật” lại dịch chuyển sang bên địa phận Vĩnh Phúc.
Một trung đội cảnh sát cơ động về túc trực tại bến Ông Lã. Dân thuê bạt căng lán, lại đun nước, mang cả mì tôm cho các chiến sỹ. Quyết không thỏa hiệp, làng Long Châu cùng góp cả trăm triệu đồng mua hai chiếc xuồng máy, gia cố cả đường ray bê tông vận thuyển từ trên bãi xuống, luôn sẵn sàng lao thuyền ra khẩn cấp để ngăn chặn “cát tặc”.
"Tôi vừa hòa giải, vừa tuyên truyền người dân không làm mất an ninh trật tự, nhưng nghĩ đau xót lắm. Chính chồng tôi đây ra xua đuổi còn bị đánh suýt gãy xương sườn" - chị Đỗ Thị Lý, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, cảm giác như rùng mình khi nhớ lại những ngày kinh hoàng.
Cụ Hà Huy Lã đã 80 tuổi, nhà sát ven sông, thấy nhà báo đến lúc giữa trưa vội buông bữa ra gặp. Cụ Lã kể, làng mà có đám tang là chúng chớp thời cơ sục tàu cuốc vào ngay. Chẳng nhẽ làng bỏ việc lớn mà đi đuổi “cát tặc”. Cụ già đôi mắt vẫn hằn lên giận giữ. Trưởng thôn Đặng Văn Thú tiếp lời chỉ tay ra mép bãi, nơi chiếc tàu quái vật và cái phao cẩu bị neo giữ rất chặt: "Cát đã bị trộm nhiều, làng có những vết nứt to rồi. Xác tàu này bị “tóm” đầu năm 2017 cứ để đó, làng không cho chuộc lại, nó là chứng tích của “cát tặc”!".
Mong manh bình yên xóm bãi
Cát vàng sông Lô có trữ lượng lớn và chất lượng tốt. Tàu cuốc chỉ sục vòi khoảng canh giờ đã có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Nó trở thành món hàng thiên nhiên ban tặng đã từng một thời vô kiểm soát. Bến bãi, mỏ cát, tàu cuốc, phao cẩu, tàu vận chuyển không biển số ào ra. Đã có những khúc sông giờ sâu đến 60m khi khai thác cát, sỏi dùng gầu cáp vục tận đáy sâu. Hết cát ở lòng sông lại sục vào bờ đánh trộm, sạt lở khắp tuyến.
Hàng loạt các xã ven sông Lô của huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm như một vấn nạn rất khó giải quyết. Thậm chí đã có cán bộ xã nêu ý kiến rằng cảm thấy khó hiểu khi cả Phú Thọ và Vĩnh Phúc tiếp tục cấp phép khai thác tại những vùng ven bãi của các xã xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Hồi đó công an hai tỉnh bắt hàng trăm vụ khai thác cát trái phép, nhưng đâu lại vào đó. Ở Đoan Hùng và Tuyên Quang có làng phải "lắp súng thần công" (hai càng tre ghép lại thành súng cao su cỡ lớn) bắn đá đuổi tàu, rồi lặn ra cắt cáp neo tàu.... Có cán bộ huyện đã phải từng thốt lên: "Chỉ một xã nhỏ ven sông mà có tới 8 doanh nghiệp được cấp phép. Cát nào cho đủ". Hiện có thể nói dưới dòng sông Lô đã... hết cát.
Những cuộc họp bàn, những văn bản chỉ đạo, những tổ kiểm tra liên ngành, những cuộc tuần tra khắp tuyến, chỉ như muối bỏ bể. "Phải đến khi có chỉ đạo từ Trung ương nhằm chấn chỉnh nghiêm khắc tình trạng trên, dòng sông Lô mấy năm nay mới lắng dịu" - Trưởng thôn Đặng Văn Thú tâm sự.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Định - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thì đến nay, Phú Thọ chỉ còn 8 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tuyến sông Lô (cũng là 8 đơn vị được cấp phép từ năm 2018). Doanh nghiệp khác tự xóa sổ khi dòng sông đã cạn tài nguyên. Và từ năm 2014, Phú Thọ đã ban hành tới 12 văn bản, chỉ thị tăng cường quản lý việc khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô và địa bàn toàn tỉnh, cũng phần nào cho thấy vấn nạn nhức nhối khi dòng sông "chảy máu". Nguyên nhân sạt lở ven đê, bờ bãi được xác định do doanh nghiệp khai thác lợi dụng các vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh chung dòng sông để trộm cát (thường xảy ra ban đêm), thậm chí có tình trạng người dân hám lợi đã tự ý bán bãi đất canh tác cho các đối tượng khai thác.
Long Châu ngày nay là thôn hiếm hoi, gần như là duy nhất, nhờ sức dân mà còn giữ được "bãi vàng" gần 2km trong cả tuyến sông Lô kéo dài trăm cây số tính từ Tuyên Quang đổ về ngã ba sông Bạch Hạc ở TP Việt Trì.
"Cả làng biết bơi. Mảnh đất này nằm ngoài bờ đê, trải qua bao lũ lớn, không thể chết đuối vì “cát tặc”. Làng hơn hai trăm hộ đã có nhiều nhà tầng khang trang, nhưng không tự cho phép chính người làng ra lấy cát xây nhà. Tài nguyên của Nhà nước. Phải giữ.... Đây, cái máy tời này cứ phải trực chiến, ngộ nhỡ “cát tặc” quay lại" - ông Thú chỉ vào cái động cơ chạy dầu có cuộn cáp to đùng thường dùng kéo xuồng xua trộm đặt bên gốc chuối ven bãi.
Những dải ngô non xanh mướt của làng Long Châu sinh tồn trước “cát tặc”, có thể bị sạt lở bất kỳ khi nào nếu dải cát không còn “ấm chân”. Lũ trộm biết sợ, nói "bãi vàng" Ông Lã là bất khả xâm phạm. Vậy nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận ánh mắt âu lo hôm ấy của ông Trưởng thôn khi nhìn ra dòng sông Lô đã có phần yên ả...
Ông Nguyễn Khắc Định - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ khẳng định, những năm qua Phú Thọ cực kỳ nghiêm ngặt trong việc quản lý và xử lý những vi phạm khai thác tài nguyên tại sông Lô. Tuyệt đối không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào tại những nơi có nguy cơ sạt lở và tiềm ẩn bất ổn về an ninh trật tự do có xung đột giữa người dân với doanh nghiệp khai thác (như khu vực làng Long Châu).