Doanh nghiệp lao đao vì lãi suất cao
Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Lãi suất vay mua nhà, lãi suất cho doanh nghiệp vay cùng tăng
Đến thời điểm này, theo khảo sát, các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay cá nhân và doanh nghiệp (DN). Theo đó, lãi suất cho vay DN tăng 0,1-0,5%/năm, lãi suất cho vay cá nhân tăng từ 1- 3% năm.
Chủ một DN trồng và xuất khẩu chuối cho biết, tuần trước ông đã điện thoại đến 2 ngân hàng để hỏi khoản vay 5 tỷ đồng, phục vụ cho kinh doanh mùa cuối năm. Vậy nhưng cả 2 ngân hàng đều thông báo, lãi cho vay dao động từ 12 - 13%, song điều quan trọng hơn là ngân hàng đã hết room để cho vay.
Anh Trần Văn Thắng, nhân viên Công ty TNHH Nhất Nam cho biết, công ty anh có nhu cầu vay vốn, nhưng nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo hết room cho vay, hiện chỉ còn giải ngân các khoản vay tiêu dùng nhỏ dưới 3 tỷ đồng và lãi suất cũng cao hơn khoảng 3% so với đầu năm.
Trong 1 tháng vừa qua, lãi suất cho vay đã được ngân hàng điều chỉnh mạnh. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay DN tăng tới 0,5-1%/năm và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Riêng lãi suất cho vay cá nhân tăng 2-4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe. Hiện lãi suất cho vay mua nhà, mua xe giai đoạn thả nổi của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phổ biến ở mức 12,5-14,5%/năm, như TPBank, MSB, ABB, OCB…
Anh Nguyễn Văn Chinh (Thái Nguyên) cho biết, gia đình anh có một khoản vay tại Agribank (vay sản xuất - kinh doanh hộ gia đình) và một khoản vay mua nhà tại VPBank. Đến nay, Agribank vẫn giữ lãi suất cho vay, song VPBank đã 2 lần tăng, nâng mức lãi suất cho vay lên 12,6%/năm, tăng 2,5% so với đầu năm.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, từ đầu năm đến tháng 10, tăng trưởng GDP khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa (GDP tính theo giá hiện hành) tăng khoảng 11%.
Trong khi đó, cung tiền chỉ tăng được 3%. Giả định, vòng quay tiền không đổi, thì nền kinh tế thiếu tiền cung ứng để lưu thông GDP theo giá hiện hành một cách bình thường. Rất may, trong quý I, quý II và nửa đầu quý III/2022, tình hình chưa căng thẳng nhờ cung tiền năm ngoái dư thừa lớn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt. Vì vậy, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay tăng rất nhanh.
“Ví dụ, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 10%, lạm phát 3%. Ngược lại, ở châu Âu lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 3%, trong khi lạm phát 10%. Mỹ cũng tương tự, lạm phát khoảng 8,5-9%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 2,5% - 3%. Tức là lãi suất thực âm so với lạm phát. Tóm lại, các DN Việt Nam đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát là cao nhất thế giới. Nói cách khác, tỷ lệ lạm phát thuộc nhóm thấp nhất thế giới nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới” - ông Nghĩa đánh giá.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng vốn đang là vấn đề trầm trọng đối với DN bất động sản, thậm chí có nhiều DN mất thanh khoản, một số khác đã phải vay tiền ngoài xã hội với lãi suất cao hay bán bớt tài sản, dự án, hoặc bán sản phẩm với chiết khấu sâu lên đến 40-50% giá hợp đồng.
Tìm cách khơi thông nguồn vốn
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) cho biết, các DN hiện đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các DN đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Giới chuyên gia khẳng định điểm yếu của DN Việt Nam hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Điều này dẫn tới hệ quả là chi phí vốn vay cao, áp lực trả nợ lớn, tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Trong khi đó, thị trường tín dụng đang bị quá tải do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và DN.
Do tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để bảo đảm có nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng buộc phải đi vay (chủ yếu từ dân cư) nguồn vốn ngắn hạn. Lấy nguồn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, DN và nền kinh tế. Nguy cơ ở phía DN là phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp.
Đề xuất giải pháp khơi thông dòng vốn cho DN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)cho rằng DN có thể nghiên cứu, tận dụng các hình thức huy động vốn khác như thuê tài sản hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế. Việc thuê tài sản sẽ giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư đối với các DN có nhu cầu lớn về đầu tư tài sản cố định.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay DN cần quyết liệt tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn vốn để bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Các DN cần quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính (dòng tiền), lãi suất và tỷ giá, có thể phối hợp với tổ chức tài chính trong nước để kiểm soát các rủi ro này.