Bộ Tài chính họp bàn về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp bàn liên quan đến vấn đề thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.
Ngày 23/11, tại trụ sở của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCNKK); Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Sở giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam, SGDCK Hà Nội.
Ngoài ra, cuộc họp cũng có mặt lãnh đạo các công ty chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động lớn. UBCKNN cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới.
Ngoài ra, dòng tiền trên thị trường chứng khoán chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất; có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.
UBCKNN khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm TTCK Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.
Về trái phiếu doanh nghiệp, theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý: quý I/2022 đạt 134.800 tỷ đồng, quý II đạt 122.400 tỷ đồng, quý III là 65.900 tỷ đồng và trong tháng 10/2022 là 5.800 tỷ đồng.
Trong đó, 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất với 41,3% tổng khối lượng phát hành. Ở vị trí thứ 2 là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,9% và 7,8% lượng phát hành.
Theo Bộ Tài chính, sau các vụ việc liên quan đến một số doanh nghiệp đình đám, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.
Các tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Việc lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp chuyển sang gửi tiết kiệm.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 14/11 về hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các khuyến nghị cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.