Hội thảo khoa học 'Phát triển kinh tế số, xã hội số ở ĐBSCL - Những vấn đề lý luận và thực tiễn'

Quốc Trung 23/11/2022 16:00

Sự phát triển của công nghệ số đã hình thành nên hệ sinh thái công nghệ số có sự lệ thuộc và tương tác lẫn nhau, đồng thời trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội

Chiều 23/11, Học viện Chính trị Khu vực IV, tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế số, xã hội số ở Đồng bằng sông Cửu Long - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế của Học viện Chính trị Khu vực IV thông tin: Trong những năm qua, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, công nghệ số đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Sự phát triển của công nghệ số đã hình thành nên hệ sinh thái công nghệ số có sự lệ thuộc và tương tác lẫn nhau, đồng thời trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

TS. Nguyễn Văn Dũng thông tin tại Hội thảo.

Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Đảng và Nhà nước đã ban nhiều nhiều chủ trương, chính sách mang tính chiến lược để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của của Bộ Chính trị khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày ngày 15-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ; chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ…

Thông tin từ Học viện Chính trị khu vực IV: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Cũng như cả nước, vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, kinh tế-xã hội của vùng vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Từ thực tiễn nói trên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra một trong các nguyên tắc và định hướng phát triển, là: “Phát triển nhanh, bền vững”; “phát triển vùng phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu”….Chính vì vậy, việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế số, xã hội số để đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số ở ĐBSCL là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế số, xã hội số và phát triển kinh tế số, xã hội số; đánh giá thực trạng và nhận diện những thách thức trong phát triển kinh tế số, xã hội số ở ĐBSCL hiện nay; đề xuất các giải pháp tăng cường phát triển kinh tế số, xã hội số ở ĐBSCL...

Đây là dịp để các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực thực tiễn nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về kinh tế số, xã hội số và phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, từ thực tiễn để thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới.

Quốc Trung