Kịp thời hỗ trợ cho người lao động
Xảy ra “làn sóng” nghỉ việc đồng loạt tại các khu công nghiệp là điều không ai mong muốn. Nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời hệ lụy sẽ rất lớn. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Cần phải kịp thời hỗ trợ cho người lao động.
Ông có chia sẻ gì về “làn sóng” cho nghỉ việc cuối năm ở nhiều khu công nghiệp hiện nay?
TS Vũ Minh Tiến: Thông thường giai đoạn cuối năm, thị trường rất “khát” lao động. Song năm nay xảy ra tình trạng này là khá bất thường. Trước “làn sóng” người lao động bị mất việc, mới đây chúng tôi đã tổ chức 2 đoàn đi điều tra khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố bên cạnh đó, qua hệ thống công đoàn cơ sở cũng như hệ thống công đoàn khu công nghiệp và cấp huyện công bố cho thấy, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam đặc biệt là các trọng điểm về công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… đều có tình trạng lao động phải nghỉ việc vì doanh nghiệp (DN) hết đơn hàng.
Đáng chú ý, quá trình khảo sát cho thấy, phần lớn những DN cho lao động nghỉ việc là những ngành sử dụng lao động phổ thông mà chủ yếu là sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép, điện tử…do không xuất khẩu được hàng. Phần lớn lao động mất việc đều là lao động nữ, họ vốn dĩ là đối tượng yếu thế, thu nhập thấp giờ bị mất việc cuộc sống càng khó khăn. Đây có thể nói nhóm rơi vào tình cảnh yếu thế kép,vì vậy các địa phương, cấp công đoàn cơ sở cần có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Những báo cáo gần đây cho thấy, nếu như trong quý III chúng ta đã có bức tranh thị trường lao động khá sáng sủa thì bước sang quý IV thị trường lao động đã ghi nhận những gam màu xám, với hàng loạt DN lớn công bố số lao động phải nghỉ việc do không có đơn hàng.
Cuối năm thường là dịp DN tăng năng suất, người lao động được tăng ca, tăng thu nhập nhưng năm nay lại xảy ra tình trạng trái ngược. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Về vấn đề này, tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu do yếu tố thị trường, do khách quan bên ngoài tác động. Như tôi đã nói việc xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga - Ukraine. Thứ hai rất nhiều nước mua hoặc sử dụng hàng hóa của ta thì bị lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu. Trong nước nhiều DN phản ánh do giá xăng, chi phí vận tải tăng... đã kéo theo chi phí gia tăng đã khiến hàng hóa sản xuất, chi tiêu tài chính gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo phản ánh của một vài công đoàn cơ sở có hiện tượng nhiều DN lợi dụng tình trạng này đã cho người lao động nghỉ để không phải chi thưởng Tết. Chúng tôi sẽ có những giải pháp kiểm tra nhằm xác thực vấn đề này.
Theo ông, hệ lụy của làn sóng này có tác động đến DN như thế nào?
-Để xảy ra tình trạng cắt giảm, cho người lao động nghỉ việc là điều không DN nào mong muốn. Mất việc làm, người lao động là người chịu hậu quả nặng nề nhất. Với DN, trước mắt cho người lao động nghỉ việc sẽ giảm gánh nặng chi trả tiền lương nhưng khi có đơn hàng sẽ rất khó tuyển đủ lao động. Lúc đó khó khăn sẽ chồng khó khăn..
Chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người lao động?
- Như tôi đã nói, khó khăn của DN chủ yếu do yếu tố bên ngoài, do thị trường. Thứ 2 hầu hết các DN vừa thoát khỏi 2 năm chật vật do đại dịch Covid-19. Vì vậy, rất khó để đưa ra dự đoán chính xác. Tuy nhiên theo so sánh các số liệu cũng như tình hình thực tế cho thấy, làn sóng cắt giảm việc làm trong tháng 11, 12 và cận Tết tiếp tục tăng. Do đó chúng ta cần có giải pháp cả về vi mô và vĩ mô để tháo gỡ khó khăn cho DN. Hỗ trợ cho DN cũng chính là hỗ trợ cho người lao động.
Với người lao động, để bảo vệ quyền lợi của họ, trước hết cần phải đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quyền lợi của người lao động theo Bộ Luật lao động. Thứ 2 thực hiện đúng cam kết với người lao động của DN. Cùng với đó các cấp công đoàn cần phải có đề nghị DN hỗ trợ thêm cho người lao động. Ở nhiều nước, khi xảy ra tình trạng DN phải cho người lao động nghỉ việc giữa chừng, DN đều có hỗ trợ từ 2 đến 3 tháng lương để người lao động tìm việc làm mới. Đây cũng là cách thể hiện trách nhiệm với người lao động của DN.
Thời điểm này, câu chuyện lương thưởng Tết là mối quan tâm lớn nhất của người lao động. Theo tôi cần phải tính theo tỷ lệ tháng mà người lao động đã làm để DN có mức thưởng Tết hợp lý. DN cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động. Đây cũng là chìa khóa để DN ổn định sản xuất khi đơn hàng dồi dào trở lại.
Trân trọng cảm ơn ông!