Phát triển kinh tế Đông Nam Bộ: Nỗ lực cải thiện hạ tầng logistics

T.Lực 24/11/2022 07:34

Tắc nghẽn cơ sở hạ tầng và chưa có cơ chế phù hợp là những nút thắt cần tháo gỡ để phát triển logistics (dịch vụ hậu cần) vùng Đông Nam Bộ.

Rất cần cải thiện hạ tầng cơ sở để dịch vụ logistics phát triển tương xứng với tiềm năng.

Đây là nội dung được nêu ra tại Hội thảo "Logistics vùng Đông Nam Bộ: Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia", do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và Hiệp hội Logistics TPHCM tổ chức sáng 23/11 tại TPHCM

Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số DN logistics cả nước. Số lượng DN logistics tập trung chủ yếu tại TPHCM với 11.027 DN, tỉnh Bình Dương là 1.655 DN và Đồng Nai có 1.223 DN. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng Đông Nam Bộ còn là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước.

Tuy nhiên, Đông Nam Bộ vẫn tồn tại nhiều "điểm nghẽn" về cơ sở hạ tầng, điều này tác động mạnh đến hoạt động logistics. Theo ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, chính "điểm nghẽn" này đặt DN logistics trước nhiều thách thức.

"Trong khi giao thông đường bộ chưa đáp ứng tải trọng phù hợp giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng thì vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt – đường bộ - đường thủy nội địa. Việc đầu tư các phương thức này thiếu đồng bộ, thường vênh nhau và thiếu sự thống nhất cả về mục tiêu, kế hoạch thời gian thực hiện" - ông Cường đánh giá.

Toàn vùng hiện chỉ có tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án quy hoạch đường vành đai và trục giao thông kết nối đang chậm triển khai. Về đường thủy, vùng có 6 tuyến nội địa tuy nhiên nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền (cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước).

Với TPHCM, các tuyến vành đai kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông, vận chuyển hàng hóa hai chiều. Hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 chưa hoàn chỉnh; thường xuyên tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều tồn đọng, hạn chế, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời. Qua khảo sát, thống kê có thể thấy, dịch vụ logistics hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng, chi phí logistics còn cao và sự liên kết giữa DN dịch vụ logistics, các DN xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Các điểm nghẽn phát triển vùng được chỉ ra như, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa DN sản xuất - xuất nhập khẩu và DN logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng.

Theo ông Huỳnh Văn Cường, nhằm giải quyết các vướng mắc này, thời gian qua, từng địa phương đã đề xuất và triển khai nhiều phương án, chiến lược với mục tiêu cải thiện hơn hoạt động logistics, tăng cường kết nối logistics vùng. Tuy nhiên, việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất.

Năm 2022, thị trường logistics toàn cầu đã phục hồi và bước vào giai đoạn mới với kỳ vọng mang lại tăng trưởng đáng kể cho cả năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, với tình hình biến động của thế giới ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới, DN logistics cần chủ động hơn, chuẩn bị những chiến lược tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, duy trì bền vững hoạt động kinh doanh.

T.Lực