Tái định cư vắng bóng cư dân
Mặc dù được đầu tư nhiều tỷ đồng với nhiều hạng mục để phục vụ người dân về tái định cư, vì nơi ở cũ đã nhường cho các công trình thủy điện. Vậy nhưng, sau ít năm về ở, đến nay nhiều khu tái định cư lại vắng bóng người dân.
Bỏ hoang khu tái định cư
Sau sự cố một khối đá lớn suýt rơi trúng nhà dân, những gia đình tại khu tái định cư (TĐC) Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) lần lượt rời bỏ nơi ở của mình để tìm kiếm chỗ ở an toàn hơn. Điều này đã khiến khu TĐC Khe Ò đìu hiu giữa đại ngàn.
Trước đó, vào năm 2005, khi dự án thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương ngăn dòng, cũng là lúc hàng trăm hộ dân ở xã Yên Na bắt đầu rời nơi mình đã sinh sống suốt bao năm qua đến khu TĐC để nhường lại đất cho các công trình thủy điện.
Vì sự phát triển của tỉnh nhà, họ chấp nhận rời đi. Ban đầu, các khu TĐC nơi người dân về ở được xây dựng kiên cố với các công trình phụ trợ, điện, nước đầy đủ. Người dân cũng hy vọng sau khi nhường đất cho thủy điện, họ sẽ sớm an cư lạc nghiệp tại nơi ở mới. Đối với khu TĐC Khe Ò, xã Yên Na, theo số liệu thì ban đầu có tổng 46 hộ dân định cư. Vậy nhưng, trải qua vài năm, nơi đây giờ chỉ còn 2 hộ dân sinh sống. Còn lại đã di chuyển đi nơi khác, một số hộ dân do tiếc đất nên đã biến nơi đây thành khu vực chuồng trại để chăn nuôi, hàng ngày chỉ ghé qua để chăm sóc gia súc.
Từ con đường bê tông lên khu TĐC Khe Ò cỏ dại mọc um tùm, những ngôi nhà cũng đã bị bỏ hoang rất lâu, không một bóng người. Các ngôi nhà vốn kiên cố nay các bộ phận như mái, cửa và thiết bị bên trong nhà đã hư hỏng, mục rỗng. Đỉnh điểm của việc rời bỏ nơi ở của người dân khu TĐC Khe Ò chính là vào năm 2010, sau vài trận mưa lớn, một tảng đá lớn nằm ngay phía sau nhà bếp của bà Quang Thị Mai (ở khu TĐC Khe Ò) bất ngờ lăn xuống đè sập nhà bếp rồi vỡ đôi, một nửa lăn xuống đường, nửa kia xuống vực.
Theo khảo sát, sườn núi phía sau 7 hộ dân gần nhà bà Mai có nguy cơ sạt xuống. Chính quyền đã kiểm tra, hỗ trợ mỗi gia đình 7 triệu đồng để tự di dời nhà. Không lâu sau, người dân phát hiện một vết nứt dài chạy vòng phía sau khu TĐC, do sợ nguy hiểm nên người dân lần lượt bỏ nhà để “chạy thoát thân”.
Không được bố trí đất ở, họ đã quay trở về gần bản cũ dựng nhà tạm ven sông Nậm Nơn tá túc nhiều năm nay, để lại khu TĐC thành nơi chăn thả gia súc.
Nỗi lo đá rơi
Cũng giống khu TĐC Khe Ò, tại xã Yên Na còn có khu TĐC Khe Chóng, đây cũng đang là nơi định cư của hàng chục hộ dân, trong đó đa phần đều là những gia đình cũng đã nhường đất cho Thủy điện Bản Vẽ. Nhưng bây giờ họ đang phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bởi “nạn” đá rơi.
Ngày 30/10 vừa qua, một tảng đá rơi xuống, trúng gian nhà chính của gia đình chị Vi Thị Thắm (41 tuổi) - trú tại bản Khe Chóng. May mắn tảng đá chỉ làm hư hỏng phần tường phía sau, nhưng điều đó cũng khiến cho gia đình chị Thắm vô cùng lo sợ.
Theo chị Thắm kể lại, hôm đó, hai vợ chồng đi làm, lúc này ở nhà chỉ có mẹ chị và các con. Khi tảng đá lăn xuống, may mắn có phần tường phía sau nhà giữ lại, nếu không rất nguy hiểm. Hiện, gia đình cũng rất hoang mang, nhất là những lúc mưa lũ.
Điều đáng nói, phía sau những ngôi nhà của người dân nơi đây là núi Khe Chóng có dốc đứng, trên đó nhiều hòn đá mồ côi nằm rải rác. Những khối đá này có thể tách ra và rơi xuống, cùng với độ dốc cao, nếu rơi xuống sẽ có sức công phá rất lớn. Chính quyền địa phương và bản Khe Chóng cũng đã nhiều lần khảo sát trên núi nhưng vì lượng đá quá nhiều, có những khối đá quá lớn không thể xử lý.
Trước đó, khi di dời, chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã tổ chức họp dân hỏi ý kiến về địa điểm TĐC. Thời điểm này có 2 phương án được đưa ra, một là di dời về huyện Thanh Chương hoặc chuyển đến những khu vực quanh bản cũ như lên núi Khe Ò, Khe Chóng. Nếu di dời về huyện Thanh Chương thì sẽ cách vị trí nơi ở cũ hơn 150km, xa quá nên người dân nơi đây chọn di chuyển đến Khe Ò, Khe Chóng . Bên cạnh đó, nếu đồng ý lên khu TĐC thì có nhà mới, chỗ ở sẽ tốt hơn nên dân đồng ý.
Tuy nhiên việc khảo sát, lựa chọn những khu TĐC chưa phù hợp, để giờ đây người dân sau khi nhường đất cho dự án, họ phải sống trong “vùng nguy hiểm”. Theo ông Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An), chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị. Tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp hiệu quả, giải quyết dứt điểm.
Anh Lương Văn Đông - Trưởng bản Khe Chóng, xã Yên Na cho biết, thời gian qua đã có rất nhiều lần đá từ trên núi rơi xuống trúng nhà dân ở khu tái định cư Khe Chóng, may mắn không thiệt hại về người. Nhưng, do trên núi còn nhiều loại đá như thế nên tiềm ẩn nguy cơ đá rơi xuống bất cứ lúc nào.