Lạng Sơn - Thành phố trẻ bên dòng Kỳ Cùng
Sau 20 năm từ thị xã trở thành thành phố, Lạng Sơn đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, văn hóa du lịch. Từ một thị xã bé nhỏ, Lạng Sơn đã kiện toàn cơ sở hạ tầng, mở rộng địa bàn, xây dựng khu đô thị, thay đổi mạnh mẽ từ diện mạo đô thị đến đời sống của người dân, xứng tầm vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Lạng Sơn.
Sông Kỳ Cùng, con sông lớn nhất tỉnh chảy qua địa bàn thành phố Lạng Sơn đã chứng kiến những đổi thay lớn của đất và người xứ Lạng suốt chiều dài hình thành và phát triển.
Những năm 1970, khi còn là thị xã, không ai nghĩ Lạng Sơn sẽ trở thành 1 đô thị phát triển như bây giờ. Dọc 2 bên sông Kỳ Cùng giờ đây là những ngôi nhà cao tầng san sát, những trung tâm thương mại sầm uất thay thế cho những căn nhà cấp 4 lụp xụp. Phố xá được mở rộng, khang trang, sạch đẹp. Các tuyến điểm du lịch gắn với kinh tế biên mậu dần được hình thành, mang lại sức sống mới cho thành phố trẻ vùng biên giới.
Trong giai đoạn năm 2013 - 2020, nhờ nguồn vốn trên 5.400 tỷ đồng của Trung ương, thành phố Lạng Sơn đã thực hiện đầu tư, xây dựng 154 dự án trong đó tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, cấp thoát nước… đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị vùng biên cương Tổ quốc.
Từ hạ tầng, dáng dấp các khu đô thị được hình thành khi đưa vào sử dụng các dự án như Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố, Cầu 17/10, Cầu Kỳ Cùng, Công viên Chi Lăng… Cùng với sự phát triển về đô thị, Lạng Sơn cũng có những công trình bứt phá mạnh mẽ về thương mại cửa khẩu. Đây là thế mạnh nổi bật và là đầu tàu dẫn dắt các ngành kinh tế khác của thành phố phát triển sôi động như bây giờ.
Trong đó, ngành du lịch cũng phát triển, kèm theo nhiều dịch vụ khác. Đến với thành phố Lạng Sơn 4 mùa, du khách đều được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc, những nét thú vị riêng, độc đáo riêng. Những lễ hội văn hóa đặc sắc như Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa, lễ hội chùa Tam Thanh… nức tiếng gần xa, mời gọi du khách đến với xứ Lạng. Bên cạnh đó Lạng Sơn còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm những phong vị riêng như: Phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, thịt lạp, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt...
Chị Hoàng Thị Hiền, du khách thành phố Hà Nội chia sẻ: "5 năm quay trở lại, thành phố Lạng Sơn đã có những đổi thay rõ nét có thể cảm nhận bằng mắt thường. Đến thành phố Lạng Sơn có nhiều điểm vui chơi hơn, đường sá rộng rãi thoáng đãng hơn; đặc biệt ẩm thực Lạng Sơn rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn."
Đặc biệt, năm 2020, UBND TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn chính thức khai trương và đưa phố đi bộ Kỳ Lừa vào hoạt động. Theo lãnh đạo thành phố, phố đi bộ Kỳ Lừa nhằm khai thác lợi thế về du lịch, thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, thưởng thức, mua sắm, ẩm thực của người dân và du khách khi đến với thành phố Lạng Sơn. Đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh thành phố Lạng Sơn với bạn bè trong và ngoài nước. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, phố đi bộ đã trở thành điểm hẹn không thể thiếu, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng lãm.
Cùng phố đi bộ, xung quanh chợ Kỳ Lừa là các tuyến đường Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri, khu vực đường Bắc Sơn và đền Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn... đều buôn bán sầm uất với nhiều mặt hàng buôn bán gắn với các sản phẩm nông sản, ẩm thực đặc sản của Lạng Sơn…
Chị Đào Thanh Thủy, (35 tuổi) du khách tới từ thành phố Hà Nội hứng thú cho biết: "Không gian ở đây vô cùng tuyệt vời. Phố đi bộ Kỳ Lừa đem đến cho tôi sự hoài niệm. Bởi nơi đây hội tụ cả nghệ thuật văn hóa truyền thống xen lẫn những giá trị hiện đại. Nào là trình diễn hát then, múa sư tử mèo, rồi trình diễn trang phục dân tộc, những trò chơi dân gian… Chắc chắn tôi và gia đình sẽ còn quay trở lại đây để tiếp tục trải nghiệm nhiều hơn nữa.”
Với lợi thế là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa của cả nước với Trung Quốc và các nước Đông Âu, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã xây dựng Nghị quyết số 40 về “xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050”. Trong đó, mục tiêu là xây dựng thành phố Lạng Sơn thành đô thị xanh, sạch, thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 đạt những tiêu chí cơ bản của đô thị loại I. Định hướng đến năm 2050, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cấp chất lượng đô thị, đạt đô thị loại I, xây dựng thành phố Lạng Sơn là một trong những đô thị tiêu biểu của vùng Đông Bắc.
Trước mắt, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Lạng Sơn phấn đấu đón ít nhất 3 triệu khách du lịch; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 65%; xây dựng 7 công trình văn hóa cấp đô thị; 6 công trình thể thao cấp đô thị; 5 không gian công cộng đô thị; có công trình kiến trúc tiêu biểu cấp tỉnh; 100% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Bí thư Thành ủy Lạng Sơn cho rằng: Thành phố Lạng Sơn là đầu tàu dẫn dắt, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi các dự án đầu tư, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới... Nghị quyết số 40 của BTV Tỉnh ủy về Xây dựng, phát triển thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, triển khai Nghị quyết số 81 của BCH Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn chính là cơ sở để tạo điều kiện cho thành Lạng Sơn bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Thời gian qua, thành phố Lạng Sơn đã luôn xác định rõ và tích cực phát huy tốt vai trò trọng điểm trong phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là phát triển du lịch, dịch vụ, làm giàu và phát huy các di sản văn hoá quê hương. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, Lạng Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định là một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn duy trì ổn định, bình quân hằng năm từ 10 - 11%. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2015 - 2020 đạt gần 2.000 tỷ đồng. Với những thành tựu quan trọng trên các mặt, thành phố Lạng Sơn đã vinh dự nhận 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng 3 cùng nhiều Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.