Đắk Lắk chú trọng phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc
Ngày 24/11, Đoàn công tác do ông Y Thanh Hà Niê Kdăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Buổi làm việc nhằm khảo sát, đánh giá tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trên địa bàn tỉnh.
Dự buổi làm việc còn có ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.
Trong 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương Đại đoàn kết toàn dân tộc thành các Nghị quyết chuyên đề, đề án để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương…
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy khối Đại đoàn kết dân tộc, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Trong giai đoạn 2015 - 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,75%. Năm 2021 trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 5,1%; quy mô nền kinh tế đạt hơn 52.481 tỷ đồng. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội… luôn được chú trọng và triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm từ 14,6% năm 2003 xuống còn 6,34% vào năm 2021; có 72/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hướng mạnh hoạt động xuống cơ sở và đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, đoàn viên, hội viên. Nội dung hoạt động ngày càng phong phú, thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh… Thông qua đó, khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố và mở rộng, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân được tăng cường.
Kinh tế, xã hội phát triển, đời sống được cải thiện nâng lên về mọi mặt, đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn tích cực hưởng ứng và tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng đường giao thông, các công trình công cộng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị về mọi mặt. Ở nhiều địa phương, đồng bào các dân tộc còn đoàn kết giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, các thế lực phản động vẫn không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối Đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước…
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến công tác tăng cường và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện đặc thù của một tỉnh miền núi có đến 49 dân tộc cùng sinh sống; các đề xuất, kiến nghị của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả chủ trương Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới, nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Y Thanh Hà Niê Kdăm đã ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, cùng những chuyển biến rõ nét trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong 20 năm qua.
Ông đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo nhằm ổn định an ninh chính trị; tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về Đại đoàn kết toàn dân tộc để chung tay phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.
Trước đó, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương đã khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại huyện Krông Pắc.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế tại Đắk Lắk và những kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Trương ương để đánh giá tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, trên cơ sở đó tiếp tục đề ra chủ trương phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với tình hình mới.