Mở rộng xe buýt điện: Liệu có khả thi?
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh và đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Liệu điều này có khả thi?
Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải (GTVT), trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 - 50%.
Xe buýt điện là loại phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hiện đại hơn so với xe buýt chạy xăng dầu, góp phần giảm phương tiện cá nhân. Song chỉ còn 3 năm nữa việc thay thế sẽ phải hoàn thành, liệu có khả thi khi ngoài lượng xe điện phải chuẩn bị, Hà Nội còn phải chuẩn bị hạ tầng hoạt động trong đó có bến bãi, trạm sạc đầu, cuối?
Chưa kể, pin xe buýt điện chỉ có thể chạy từ 250 - 300km/lần sạc và để bảo đảm không phát sinh sự cố hết điện, nhà sản xuất khuyến cáo chạy tối đa 230 - 250km/lần sạc. Trong khi đó, các tuyến buýt điện đang thí điểm hiện nay ở Hà Nội có tổng quãng đường chạy là 230 - 240km/xe/ngày. Các tuyến xe buýt mà Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang vận hành trong khu vực trung tâm chạy trung bình 250 - 300km/xe/ngày; nhiều tuyến khác chạy trên 300km/xe/ngày. Do đó, muốn phát triển xe buýt điện toàn diện, buộc các tuyến có năng suất trên 250km/xe/ngày phải bố trí trạm nạp bổ sung giữa ca tại các điểm đầu cuối.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào cho rằng, chủ trương phát triển xe năng lượng xanh trên lĩnh vực công cộng là xu thế tất yếu của các đô thị phát triển, sử dụng loại hình phương tiện này sẽ tốt cho môi trường, khí hậu…Việc xây dựng các trạm sạc là thực hiện được. Tuy nhiên, việc thay thế cần phải có lộ trình rất cụ thể, vì còn phụ thuộc vào ngân sách bởi chỉ riêng kinh phí mua xe buýt điện đã cao hơn xe buýt thường rất nhiều.
Từ đầu năm 2022, Hà Nội đã đưa vào vận hành một số tuyến xe buýt điện. Và điều này được nhiều người dân ủng hộ khi trải nghiệm loại hình vận tải công cộng này. Sáng 24/11, hành khách Nguyễn Trọng Dũng (Hà Đông – Hà Nội) đứng chờ xe buýt điện tuyến E02 ở bến xe Kim Mã chia sẻ, bình thường sử dụng xe cá nhân, nhưng sau khi trải nghiệm xe buýt điện từ tháng 8, anh đã quyết định đổi phương thức đi lại vì nó khá văn minh và tiện lợi.
Chị Trương Vân Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị sử dụng xe buýt để đi làm hàng ngày từ Cầu Giấy đến phố Hai Bà Trưng. “Quá trình lưu thông tôi thấy xe buýt rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cả xe buýt thường hay xe buýt điện cần khắc phục là thời gian di chuyển vẫn còn khá lâu, giờ cao điểm đứng chờ xe buýt mất hơn 10 phút không có xe” – chị Vân Anh cho biết và nói thêm rằng, muốn hút người dân đến với phương tiện giao thông công cộng đồng thời với việc thay mới bằng xe buýt điện cần bổ sung thêm lượng xe buýt trên một tuyến để tăng tần suất hoạt động của xe.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cho rằng, muốn phát triển giao thông công cộng cần nhiều giải pháp. Đầu tiên, phải làm tốt, phủ kín mạng lưới giao thông công cộng để làm sao người dân ở tất cả mọi nơi đều có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, cần có một chính sách công bằng với giao thông công cộng cũng như tổ chức giao thông, chính sách quản lý giao thông hợp lý. Hay nói cách khác, những giải pháp đưa ra làm sao tạo ra lực vừa kéo, vừa đẩy, giao thông công cộng sẽ chiếm lĩnh được thị trường và chiếm được tình cảm của người dân.
Còn ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội - cho biết, hiện Trung tâm đã đề xuất Sở Giao thông vận tải Hà Nội kế hoạch chuyển đổi sang xe buýt điện theo nguyên tắc các tuyến buýt mở mới yêu cầu sử dụng phương tiện điện, năng lượng xanh. Dự kiến, số lượng phương tiện cho các tuyến buýt mở mới giai đoạn 2023 - 2030 là 4.800 xe (mỗi năm 600 xe).
Đối với các tuyến buýt đến năm 2025 hết hạn thầu (phải đấu thầu lại), nếu phương tiện hoạt động trên 10 năm phải thay xe mới sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Trường hợp xe hoạt động từ 10 năm trở xuống (tính theo năm sản xuất) được phép sử dụng tối đa đến 10 năm, sau đó thay phương tiện mới theo đúng yêu cầu.