Ngân hàng trước áp lực nợ xấu
Thời gian gần đây, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn với nợ xấu. Một số ngân hàng rao bán bất động sản, một số ngân hàng rao bán hàng hóa, rao bán khoản nợ vay tiêu dùng, thậm chí có ngân hàng rao bán cả những tài sản giá trị rất thấp.
Ngân hàng rao bán các khoản vay tiêu dùng
Cụ thể, MCP VietinBank vừa chào bán 321 khoản nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống để thu hồi nợ. Tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) của các khoản nợ này là hơn 6,6 tỷ đồng, giá khởi điểm được ngân hàng chào bán là hơn 6 tỷ đồng. Trong số các khoản nợ xấu vay tiêu dùng được chào bán này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm gần 13.000 đồng và 613.000 đồng; hai khoản nợ có giá trị cao nhất trên 68 triệu đồng.
Khách hàng có thể mua từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. VietinBank sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, VietinBank cũng từng rao bán 233 khoản nợ vay tiêu dùng; tháng 6/2022 bán 82 khoản nợ vay tiêu dùng. Điểm chung của các đợt này là giá khởi điểm bằng giá trị sổ sách.
VietinBank cũng nằm trong số ngân hàng liên tục thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Từ năm 2021, ngân hàng này đã rao bán nợ vay tiêu dùng. Chẳng hạn, ngân hàng này đã từng rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị ghi sổ hơn 75,5 triệu đồng gồm gốc, lãi và lãi phạt. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất hơn 16 triệu đồng, thấp nhất chỉ hơn 1 triệu đồng.
Ngân hàng này cũng lưu ý là giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Ngân hàng có thể bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ.
Kích hoạt thị trường mua bán nợ vay tiêu dùng?
Thực ra tín dụng tiêu dùng luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Một trong những nguyên nhân cơ bản, theo các chuyên gia là do dịch bệnh Covid-19 hoành hành kéo dài khiến nhiều khách hàng giảm thu nhập, thậm chí không có thu nhập nên tình hình tài chính khó khăn, mất khả năng trả nợ. Trong khi đó, các quy định và biện pháp về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới tập trung cho khách hàng doanh nghiệp (DN), ít liên quan đến cho vay tiêu dùng cá nhân. Một số ngân hàng, công ty tài chính dù cũng có động thái tìm cách giãn, hoãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân, nhưng đó đều là những trường hợp còn khả năng trả nợ hoặc có tài sản đảm bảo có giá trị.
Theo giới chuyên gia, các DN còn có tài sản đảm bảo là nhà máy, thiết bị cũng như hồ sơ, giấy tờ đầy đủ, nghĩa là “có tóc để nắm”, trong khi khách hàng cá nhân thì thường không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản thế chấp không cầm giữ là các phương tiện giao thông nên khó quản lý hơn. Một số ngân hàng phải rao bán các khoản nợ tiêu dùng vừa giúp các ngân hàng thu lại một phần nguồn lực tài chính, vừa giảm áp lực nợ xấu. Các khoản nợ bán đi này thường có chiết khấu theo một tỷ lệ % nhất định, tỷ lệ càng cao đối với những khoản nợ không có tài sản đảm bảo.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc mua bán các khoản nợ vay tiêu dùng của các ngân hàng ở các nước phát triển là không mới. Khi một ngân hàng đã đạt trần cấp tín dụng, họ sẽ bán cả nợ xấu, nợ tốt, nợ có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo. Hơn nữa, việc rao bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo nên trở thành thông lệ vì có nhiều khoản nợ nhỏ ngân hàng cũng muốn mua đứt bán đoạn thay vì phải mất công theo dõi, quản lý.
Tại Việt Nam, hình thức như trên chưa có thông lệ nên có thể thấy khá lạ. Do đó, thị trường mua bán nợ vay tiêu dùng sẽ chưa thể sôi nổi, nhất là khi các khoản vay tiêu dùng giá trị xuống thấp do người vay mất khả năng trả nợ trước ảnh hưởng của Covid-19, nên đây không phải tài sản hấp dẫn. Tuy nhiên, có thể sẽ có những nhà đầu tư nước ngoài nhân cơ hội này “nhảy” vào thị trường mua bán nợ của Việt Nam, nếu chấp nhận được rủi ro, mua các khoản nợ với tỷ lệ chiết khấu cao.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, nhiều người quen với việc ngân hàng chỉ rao bán các khoản nợ lớn có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai. Vì vậy, khi các ngân hàng đưa ra thông tin rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng nhiều hơn có thể sẽ kích cho thị trường mua bán nợ vay tiêu dùng sớm hình thành và sôi động.
Vẫn theo ông Hiếu, việc mua bán tài sản không có đảm bảo khá phổ biến ở các quốc gia phát triển. Tại Mỹ, họ đã chứng khoán hóa nợ xấu để bán cho các nhà đầu tư. Nhưng Việt Nam lại chưa làm được, do chưa có quy định về chứng khoán hóa nợ xấu. Có hai thiếu sót lớn mà chúng ta chưa thực hiện được để thuận lợi hơn trong việc giải quyết nợ vay tiêu dùng. Một là, nhiều quốc gia đã có hệ thống xếp hàng tín dụng cả DN và cá nhân, nhà đầu tư mua bán nợ có thể nhìn vào điểm tín dụng để xác định về khả năng trả nợ của khách hàng. Việt Nam tuy cũng đã có trung tâm thông tin tín dụng nhưng điểm tín dụng cá nhân lại chưa phổ biến, mỗi ngân hàng lại có quy cách tính điểm riêng nên độ tin cậy chưa cao. Hai là, Việt Nam không có luật về phá sản cá nhân, chỉ cho DN phá sản, nên nhiều cá nhân vẫn là con nợ của ngân hàng, công ty tài chính, kể cả khi đã chết và không còn trả nợ nên trở thành nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, ngoài kế thừa các quy định của Nghị quyết 42, NHNN cũng đề xuất luật hóa và bổ sung một số quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo NHNN, Công ty TNHH một thành viên mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng là định chế do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ và cũng có thể thực hiện xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảmnhư VAMC. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 42, DATC chưa được tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Qua quá trình tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết 42, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị bổ sung DATC tham gia vào quá trình mua bán nợ xấu của tổ chức tín dụng. Việc bổ sung thêm chủ thể có được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng bao gồm cả DATC sẽ góp phần mở rộng chủ thể mua bán nợ xấu, góp phần làm sôi động thêm thị trường mua bán nợ, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng có thêm chủ thể lựa chọn bán khoản nợ xấu sẽ giúp việc bán nợ xấu được hiệu quả hơn. Do đó, NHNN đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng/đối tượng được mua bán nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm cả DATC.