Dự án treo - treo đến bao giờ?
Những dự án tiền tỷ, thậm chí vài trăm tỷ nằm trên giấy, “đắp chiếu”, hoang hóa dường như đã không còn khiến người ta thấy bất ngờ, mà chỉ thấy xót xa.
Đơn cử, Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa có quy mô đầu tư 305,5 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người dân tỉnh Đắk Lắk xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do tính toán sai kinh phí thực hiện nên dự án này vẫn chưa thể khởi động cả năm nay. Hay những ngôi chợ ở nhiều địa phương được xây lên với số vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng bỏ hoang hóa nhiều năm trời, còn các tiểu thương lại phải buôn bán ở những chợ cóc, chợ dân sinh nhếch nhác, tạm bợ. Chợ Mỹ Long An ở thôn Mỹ Long An, xã Bình Minh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là một ví dụ.
Từng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao lưu, thông thương hàng hóa, dịch vụ, song, ngược lại, chợ Mỹ Long An lại khiến người dân nơi đây “vỡ mộng” vì đã hơn 3 năm sau khi hoàn thành, khu chợ tiền tỷ này vẫn chưa một ngày hoạt động. Khuôn viên chợ và các công trình phụ trợ dù đã hoàn thành nhưng vẫn để không.
Còn nhiều dự án ở nhiều địa phương có giá trị đầu tư rất lớn thế nhưng hoặc là xây xong rồi... “đắp chiếu” hoặc đang xây dở dang, và có cả những dự án được vẽ ra hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn nằm trên giấy. Để cho những người dân sống gần những dự án đó thoạt đầu nghe tin rất vui mừng vì nghĩ đến tương lai tươi mới đang tới gần, song càng chờ càng mòn mỏi. Điều đáng buồn hơn, đó là những dự án ngốn “tiền tấn” của ngân sách nhà nước nhưng không hoạt động gây lãng phí lớn vô cùng.
Riêng tại hai đô thị lớn Hà Nội và TP HCM, số liệu thống kê cho biết, hàng chục dự án “ôm” đất rồi bỏ hoang cả chục năm không triển khai gây lãng phí tài nguyên đất. Trong đó có không ít các dự án treo từ thập niên này sang thập niên khác ngay tại các địa bàn, trục đường trung tâm được xem là “đất vàng”.
Tại Hà Nội, kết quả giám sát của HĐND thành phố cho biết: Trên địa bàn thành phố có 379 dự án chậm triển khai và đã đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi. Đến nay, đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng; 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng; các dự án còn lại vướng một số nội dung.
Giới chuyên gia nhận định, tình trạng dự án bỏ hoang đất là phổ biến, gần như ở tất cả các địa phương. Có tình trạng ôm dự án, tích trữ đất để đấy rồi chờ giá đất lên, khi mà có quy hoạch, khi phát triển đô thị, hạ tầng, giá đất lên cao, chênh lệch giá đất…, dẫn đến thiệt hại của Nhà nước vô cùng lớn.
Việc xử lý các dự án treo, các công trình tiền tỷ hoang hóa đã được đưa ra mổ xẻ rất nhiều, thế nhưng đến nay dường như vẫn bế tắc. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc nhiều bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng liên quan thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật...
Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. Kỳ vọng, sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà quản lý sẽ xử lý được nạn “treo” dự án, gây lãng phí tiền của dân.