Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, bên cạnh những lợi thế thì việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn. Trong đó, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra.
Tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước
Sáng 26/11, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Tư duy mới – Đột phá mới – Giá trị mới”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương; lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh) và một số tỉnh lân cận; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đối tác phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 24-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành vào ngày 7/10/2022. Theo đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW cho biết, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao.
“Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước. Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Đông Nam Bộ cũng là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi trình bày nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Cũng theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, bên cạnh những lợi thế nêu trên thì vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn. Trong đó, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm.
Không chỉ vậy, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và lan tỏa của vùng. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại TP HCM chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng.
Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng, chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.
Thêm nữa, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh công lập chậm được khắc phục. Năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng các tình huống dịch bệnh bất thường.
“Phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện. Khoảng cách giàu – nghèo chậm được thu hẹp. Liên kết nội vùng và liên kết vùng chưa hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu”, Nghị quyết số 24-NQ/TW nêu rõ.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị nhận định, những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ. Một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế, phân bổ nguồn lực còn thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Đáng chú ý, những hạn chế này còn có nguyên nhân là do thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để thu hút đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chưa hết, công tác phân cấp, phân quyền chưa tạo được sự chủ động cho các địa phương. Các quy hoạch chất lượng chưa cao, thiếu liên kết, không đồng bộ, thậm chí xung đột, chồng chéo. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ còn thấp. Năng lực quản lý của bộ máy còn hạn chế. Năng lực cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở về quản trị xã hội, xử lý tình huống bất thường chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn sai sót, vi phạm.