Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030: Từng bước gỡ khó
Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, sau một thời gian thực hiện được đánh giá là có những tín hiệu khả quan, xong vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được xác định là một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019. Theo báo cáo tổng quan kết quả triển khai thực hiện Chương trình, công tác huy động và nhu cầu thu hút nguồn lực đầu tư trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ.
Đánh giá về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, bà Giàng Thị Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, tỉnh Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, cùng với việc vận dụng nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội tương đối hiệu quả, đặc biệt là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển với các nước, các tổ chức kinh tế quốc tế nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay tỉnh Lào Cai đã kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã; đồng thời ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách theo quy định. Tỉnh cũng tích cực, chủ động triển khai kế hoạch thực hiện và giải ngân được 155 tỷ đồng vốn đầu tư; 5 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
“Tuy nhiên, Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Vậy nên tỉnh xác định phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực trên cơ sở khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của địa phương là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Nghị quyết. Vì vậy, ngoài sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lào Cai rất cần nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương”, bà Giàng Thị Giang cho biết.
Ở góc độ khác, ông Trương Chí Hiếu - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị lại cho rằng, để thực hiện Chương trình này, tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các nội dung về cơ chế, nguồn lực và con người để triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện Chương trình đang gặp một số khó khăn như: Hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn nên nhiều nội dung trong Chương trình khó triển khai; việc giao vốn của Trung ương có một số yếu tố bất hợp lý, làm địa phương khó thực hiện; nguồn vốn thực hiện Chương trình được phân bổ khá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân trong năm.
Khi triển khai thực hiện Chương trình này, tỉnh Quảng Trị cũng nhận thấy việc phát triển toàn diện và bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi là yêu cầu quan trọng, vừa cấp bách vừa mang tính lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như địa phương. Mặc dù Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã bao quát nhiều nội dung hỗ trợ cho cộng đồng nhưng vẫn còn một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện tại địa phương nên rất cần có sự hỗ trợ thêm của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế.
Đánh giá tiến độ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn cả nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, với đặc thù là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, để triển khai hiệu quả thành công Chương trình này sẽ gặp không ít thách thức, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội trong nước và tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình là vô cùng quan trọng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các cơ quan, ban ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tiếp cận triển khai các mô hình, ý tưởng, kinh nghiệm hay của mình trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình.