Thách thức ‘xanh, sạch hóa’ làng nghề

DUY KHANG 27/11/2022 07:29

Phát triển làng nghề ở các địa phương đã và đang góp phần tạo sinh kế, công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề phát triển bền vững gắn với bảo tồn các làng nghề truyền thống vẫn đang là thách thức không nhỏ.

Làng gốm Bát Tràng đã công nghệ hóa quá trình sản xuất để bảo vệ màu xanh của môi trường. Ảnh: Quang Vinh.

Ô nhiễm làng nghề tiếp tục gia tăng

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện các làng nghề chủ yếu phát triển theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Và đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, số liệu thống kê cho biết, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần. Không những thế, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn.

Sống chung với ô nhiễm, đó là tình cảnh của nhiều người dân ở các làng nghề hiện nay trên cả nước. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do các làng nghề phát triển quy mô nhỏ, công nghệ thấp... nên sản xuất hầu như không thân thiện với môi trường.

Làng nghề tái chế nhôm phế liệu Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là một ví dụ. Lâu nay làng làm nhôm Mẫn Xá vẫn “có tiếng” là làng nghề ô nhiễm do lượng khói bụi thải ra từ các lò đúc nhôm mỗi ngày rất lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, tro than, khói bụi, hơi kim loại là tác nhân ô nhiễm lớn nhất trong bầu không khí tại làng nghề thôn Mẫn Xá. Tại đây, trung bình mỗi ngày phát sinh hàng chục tấn chất thải rắn, gồm bã thải xỉ nhôm, xỉ than từ quá trình cô đúc kim loại, chưa được thu gom triệt để.

Tương tự, với những người dân sinh sống tại các xã Vĩnh Thịnh và Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), họ cũng đang phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi do tại hai địa phương này có rất nhiều cơ sở làm đá mỹ nghệ tồn tại. Mặc dù mang lại những thu nhập đáng kể cho nhiều người dân ở Vĩnh Thịnh và Minh Tân, nhưng các làng đá mỹ nghệ ở xứ Thanh lại đang gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường không hề nhỏ. Hiện hai xã này có khoảng 130 cơ sở làm đá mỹ nghệ, hoạt động ngay sát Quốc lộ 217. Đây là làng nghề truyền thống về chế tác đá lớn nhất Thanh Hóa, được hình thành từ lâu. Thế nhưng nhiều người dân sống tại đây đã và đang bị ám ảnh bởi sự ô nhiễm từ làng nghề đá mỹ nghệ này. Và sau rất nhiều thời gian tìm kiếm, thực trạng ô nhiễm môi trường nơi đây vẫn đang là một bài toán khó chưa tìm ra lời giải.

Và thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề như hiện nay, được chỉ rõ, là do việc tái cơ cấu làng nghề chưa được thực hiện triệt để nên đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp nên khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Gắn sản xuất với công nghệ hiện đại

Trước thực trạng trên, nhiều làng nghề đã nỗ lực trong việc đầu tư, đưa công nghệ cao vào sản xuất để hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường, gắn việc bảo tồn nghề truyền thống với phát triển bền vững.

Làng bún Phú Đô là một ví dụ. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Họa - Phó Giám đốc HTX Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), trước những năm 1990, các hộ dân làm bún ở Phú Đô chủ yếu làm thủ công và sử dụng lò than để nấu bún khiến không khí tại làng ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng người dân xả chất thải chưa qua khâu xử lý ra dòng sông Nhuệ khiến dòng sông này ngày càng thêm ô nhiễm. “Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa công nghệ mới vào sản xuất, các hộ dân đã ứng dụng và thay thế các thiết bị thủ công, loại bỏ lò than để nấu bún. Từ đó có sự cải thiện rõ rệt về vấn đề môi trường” - ông Họa nói.

Bà Đinh Thùy Trang, một người dân gắn bó với nghề bún ở Phú Đô lâu năm cho biết: Từ khi áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất bún, lượng nước thải từ nghề làm bún giảm khoảng 70% so với trước.

Và như vậy, mỗi năm làng bún Phú Đô tiết kiệm được 1.300 tấn than, giảm phát thải 2.000 tấn CO2.

Thời gian qua, nhiều làng nghề cũng đã nỗ lực áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Điều này đã và đang góp phần tăng năng suất lao động và quan trọng là tình trạng ô nhiễm môi trường cũng được giảm thiểu. Đơn cử như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) cũng đã đầu tư công nghệ lò gas để nung gốm. Cùng với việc xây lò gas, Bát Tràng cũng đang đưa lò điện vào nung gốm. Tuy lò điện không có lợi thế trong việc tạo ra sản phẩm có những màu men đặc biệt, nhưng lại có giá trị kinh tế khi nung những sản phẩm đòi hỏi độ nung thấp, nhanh, nhất là với sản phẩm phục vụ du lịch. Theo các chuyên gia trong ngành, những công nghệ mới này không những cho năng suất cao mà còn giảm thiểu ô nhiễm, dần dần tạo nên những làng nghề xanh, sạch, thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo các vấn đề về sức khỏe cho người lao động.

Tương tự, làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội) có 200 hộ làm nghề dệt lụa. Trước kia các hộ sản xuất thủ công, nhưng đến nay hầu hết đã cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm.

Sự phát triển của các làng nghề đã và đang tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, giới chuyên gia cho rằng, các làng nghề cần xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề rất cần sự hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, để các làng nghề tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

DUY KHANG