Gần dân, nắm sát tình hình cơ sở
Tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, trong sáng ngày 27/11, những cán bộ cơ sở đã cùng giao lưu, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm nhằm nhân rộng các tấm gương tiêu biểu xuất sắc, các mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả trong công tác Mặt trận.
Việc gì có lợi cho dân thì gắng làm bằng được
Đến từ tỉnh Sóc Trăng, bà Hà Ngân Kim Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề đã mang đến Hội nghị những câu chuyện đầy cảm xúc trong việc triển khai các chương trình thiện nguyện hướng đến người nghèo, những người yếu thế.
Bà Tới chia sẻ, xã Liệu Tú là địa bàn có trên 75% người dân đồng bào Khmer với nghề nghiệp chính là trồng lúa, nuôi tôm, chăn nuôi, nhưng tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập thấp, nhiều gia đình có điều kiện hoàn cảnh rất đặc biệt. Từ thực tế đó, chị đã nung nấu quyết tâm giúp những người nghèo, người yếu thế vượt khó vươn lên.
“Ban đầu, khi mới bắt tay vào thực hiện cũng gặp khó khăn nhưng qua thời gian người dân đã hiểu, đồng hành nên các chương trình thiện nguyện đã đạt được những kết quả rất tích cực” bà Tới cho biết và chia sẻ về kỷ niệm khi Mặt trận xã xây dựng nhà Đại đoàn kết cho một hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Sau khi kêu gọi được kinh phí xây nhà nhưng còn thiếu hạng mục đắp nền, tôi đã huy động cán bộ Mặt trận đến cùng làm. Thấy vậy bà con cũng xúm vào cùng làm, có cả các em nhỏ nữa… Hôm đó dù mệt nhưng không khí rất vui. Các em nhỏ cũng rất vui vẻ, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đây là nguồn động lực để tôi nỗ lực cố gắng hơn, giúp được ngày càng nhiều hơn những việc làm có ích cho người dân và cho cộng đồng.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà Tới và những người làm Mặt trận xã Liêu Tú, trong 5 năm qua đã có 68 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng để hỗ trợ người nghèo trên địa bàn với tổng số tiền xấp xỉ 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó là các hoạt động chăm lo cho người nghèo, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khi đã vận động hơn 7.300 suất quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, vận động trao tặng 244 suất học bổng cho học sinh nghèo với số tiền gần 80 triệu đồng.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng các mô hình kinh tế, ông Mạc Văn Đậu Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quán Cà, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho rằng trong công tác tuyên truyền vận động, người làm cán bộ Mặt trận phải chọn chương trình hành động phù hợp với địa bàn thì mới kêu gọi được nhân dân.
“Như tại địa phương của tôi có 98% người đồng bào dân tộc Nùng, trước đây, có một số hủ tục, như là nhà có đám hiếu thì để người đã mất trong nhà rất lâu 3-4 ngày, chúng tôi phải kiên trì vận động, ban tang lễ của thôn vào cuộc, dần dần bà con bỏ được. Bà con đã nghe theo rồi thì tôi lại tiếp tục triển khai vận động nhân dân chuyển đổi loại hình kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi để phù hợp với điều kiện mới” ông Mạc Văn Đậu chia sẻ và cho biết, đến nay trong thôn đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng mang lại hiệu quả cao, nhất là mô hình nuôi trâu thương phẩm, chăn nuôi ngựa bạch sinh sản, dê đã được nhân rộng tại trên 100 hộ gia đình trong thôn. Từ các mô hình này nhiều hộ dân đã có thu nhập cao hàng năm trừ chi phí còn lãi từ 100-150 triệu đồng/năm.
Không chỉ gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, là một nghệ nhân ưu tú ông Mạc Văn Đậu đã nỗ lực gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Say sưa trình diễn một điệu hát truyền thống của dân tộc Nùng do mình tự sáng tác tại buổi giao lưu, ông Đậu hào hứng cho biết, đến nay việc gìn giữ nghệ thuật hát truyền thống của người Nùng, đều được bà con hết sức chia sẻ, ủng hộ. Hiện CLB hát Soong Hao dân tộc Nùng, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn đã thu hút được 58 thành viên tham gia.
Vận động người dân đôi khi chỉ cần một bình nước chanh
Mang đến Hội nghị những kinh nghiệm trong việc tuyên truyền để nhân dân áp dụng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch ủy ban MTTQ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết, trồng trọt là nghề truyền thống của vùng quê xã Phước Hậu. Trước đây người dân trong xã chủ yếu là trồng lúa nhưng khi nhận thấy một vụ rau thu nhập bằng 2 vụ lúa nên ông đã vận động người dân chuyển từ trông lúa sang trồng rau.
Nhưng với công nghệ cũ, việc trồng rau chủ yếu được trồng luống, tưới bằng thùng, mô tơ, không đảm bảo an toàn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vậy là từ năm 2017, ông Sáu mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn như xây dựng nhà lưới chống gió, chống kí sinh, tưới nhỏ giọt…Từ hiệu quả đạt được ông vận động bà con cùng thực hiện đến nay đã có hơn 95% gia đình áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến từ tỉnh Đắk Nông, ông Trần Thanh Giang - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 7, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút mang đến những kinh nghiệm trong việc vận động người dân xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Giang chia sẻ, để người dân hiểu và đồng thuận bản thân mỗi người cán bộ Mặt trận cơ sở phải tâm huyết và gương mẫu đi đầu như quá trình vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, tôi đã tự nguyện hiến 2000 m2 đất và 20 triệu đồng. Làm như vậy bà con thấy gương mẫu nên hưởng ứng… đóng góp được 600 triệu đồng.
“Hiện nay riêng tôi đã làm 4km đường bê tông khang trang, chiếu sáng đèn đường, góp phần cho xe tải vào chở nông sản tiêu thụ, buổi tối đèn sáng bà con có nơi tập thể dục, đi bộ” ông Giang cho biết và chia sẻ việc vận động bà con được ông áp dụng kinh nghiệm dân vận từ khi đi bộ đội, làm trong hợp tác xã, rồi hội cựu chiến binh. "Vận động người dân thì tranh thủ công tác nói chuyện, đôi khi chỉ cần bình nước chanh ngồi tâm sự với họ là việc sẽ thành", ông Giang nói.