Hệ lụy từ phân bón giả
Nạn phân bón giả, kém chất lượng gần đây lại “nóng” lên ở nhiều địa phương các tỉnh phía Nam. Ước tính mỗi năm, phân bón giả gây nhiều thiệt hại đối với người nông dân, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Gây thiệt hại lớn
Ông Lê Văn Đức (xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cách đây chừng 1 tháng, ông được 1 người quen giới thiệu và cho số điện thoại của 1 đại lý phân bón tại thị trấn Di Linh. Ông Đức liên hệ với đại lý này và được đại lý chở vào tận nơi 1 xe phân bón cho rẫy cà phê gần 2ha. Theo dõi chừng 1 tuần sau, ông Đức thấy lá cà phê bắt đầu vàng úa, quả có dấu hiệu héo dần, tình trạng này càng ngày càng nặng. Ông Đức đã đem mẫu phân bón của đại lý đi kiểm tra thì được biết đó là phân giả. Gia đình lập tức bơm nước tưới để rửa gốc cây, cứ 2 ngày lại bơm nước 1 lần. Sau vài tuần lá cây bắt đầu xanh lại. “Cứu được cây nhưng quả thì bị rụng, héo tới 80%, số còn lại là hạt lép. Xem như vụ này mất trắng, tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng, cả năm làm công không, lại còn bị nợ nần và cây cà phê có thể bị ảnh hưởng vài năm sau” - ông Đức nói.
Qua tìm hiểu, được biết nhiều trường hợp tại huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng); huyện Bù Đốp, huyện Bù Đăng (Bình Phước); huyện Buôn Đôn, huyện Ea Sup, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cũng gặp tình trạng phân bón giả, gây thiệt hại về kinh tế của người dân.
Theo ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới, ở Việt Nam đang có hàng nghìn loại phân bón khác nhau. Những năm qua, trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân bón giả nên các ngành chức năng đã liên tục kiểm tra, kết quả đã phát hiện tới gần một nửa số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.
Ông Nghĩa cho rằng, việc phân bón kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường đã gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế, ước tính mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại khoảng 2 tỷ USD, bao gồm: trốn thuế, xử lý môi trường độc hại, xử lý đất bị xuống cấp và đặc biệt là sự mất mùa, hư hại cây trồng của doanh nghiệp và người nông dân tham gia sản xuất. “Vì sử dụng hóa chất độc hại nên sản phẩm có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với hoạt động xuất khẩu của nông sản Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, điều này chúng ta thường thấy và nghe đến việc sản phẩm không đủ điều kiện xuất khẩu hay hàng bị trả về do hàm lượng hóa chất không có lợi cho sức khỏe, trong đó có nhiều sản phẩm liên quan đến việc sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng” - ông Nghĩa nói.
Nông hộ là đối tượng thiệt hại chính
Ông Nguyễn Xuân Thường - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu phân bón Xuân Phú (tỉnh Bình Dương) khẳng định, phân bón là loại vật tư đầu vào hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay phân bón giả, kém chất lượng hoành hành trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Nghĩa, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nông nghiệp ít khi bị ảnh hưởng bởi phân bón giả vì họ thường mua với số lượng lớn nên có nguồn cung tin cậy và có đủ phương tiện, kỹ thuật để kiểm tra. Riêng đối với hộ nông dân nhỏ lẻ là đối tượng ảnh hưởng lớn nhất bởi phân bón giả.
Đề cập về giải pháp, ông Nguyễn Văn Trúc - đại diện Công ty cổ phần Phân bón Hưng An (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính. Ông Trúc đề nghị, Nhà nước cần đưa ra các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, xử lý nhằm đẩy lùi nạn phân bón giả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức kinh doanh không sản xuất, lưu hành phân bón giả. Đối với người nông dân cần phải có những buổi tập huấn kỹ năng, phổ biến cách nhận biết phân bón giả và cách thức chọn phân bón tốt, địa chỉ mua phân uy tín. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đại lý, người dân cũng cần hợp tác với các cơ quan chức năng, tố giác tội phạm để xử lý kịp thời theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới khuyến cáo, nông dân không nên mua phân bón của những người bán rong đến tận vườn, chào mời với giá rẻ mà hãy chọn những doanh nghiệp, đại lý có uy tín trên thị trường.