Con riêng có được hưởng thừa kế?

X. Ngọc 28/11/2022 08:00

Quy định của pháp luật về quyền thừa kế; con riêng có được hưởng thừa kế di sản của bố dượng, mẹ kế không? 

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân theo quy định pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản của người đã chết sang người khác còn sống, hoặc chuyển cho cơ quan tổ chức còn hoạt động.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Điều 610 Bộ luật Dân sự cũng quy định: Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Có 2 trường hợp thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Nếu là thừa kế theo di chúc thì bất kỳ ai cũng có thể được hưởng di sản mà không phụ thuộc vào mối quan hệ với người để lại di sản. Còn thừa kế theo pháp luật thì sẽ được tính theo diện thừa kế và hàng thừa kế mà pháp luật quy định.

Theo quy định của pháp luật thì Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì con đẻ có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật của cha đẻ, mẹ đẻ.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.

X. Ngọc