Phạm Tuyên - người chép sử bằng âm nhạc
Hôm trước, đến thăm người bạn là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chị đưa cho tôi đọc lá thư của cháu ngoại đang du học nước ngoài, cả thư toàn là chuyện nhớ nhà, nhớ mùa thu Hà Nội đặc biệt là nhớ tuổi thơ của mình gắn bó với những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Cảm hứng từ viết cho con gái
Đọc thư của cháu mà chị em tôi cũng bồi hồi, cùng nhau ôn lại thời quá khứ. Nhà chị có cây đàn piano, thế là chúng tôi hát như trẻ con: “Ai hỏi cháu cháu học trường nào đấy. Bé mà ngoan lại múa hát thật hay…”. Rồi đến “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài, cán cao quá đầu…”. Hết bài này sang bài khác. Chị là giáo viên mầm non, có giọng hát hay lại thuộc nhiều bài, không chỉ dạy học sinh ở trường, chị còn là người truyền cảm hứng cho con gái hồi con còn ở nhà.
Cuộc trò chuyện khiến tôi nhớ nhiều đến nhạc sĩ Phạm Tuyên, người có trên 700 bài hát, trong đó có tới gần 200 bài viết cho thiếu nhi mà bài nào cũng gắn với một địa chỉ cụ thể nhưng lại có tính phổ quát và phổ biến sâu rộng trong đời sống. Tôi có nhiều dịp đến thăm vợ chồng nhạc sĩ ở khu Vạn Phúc - Ba Đình (Hà Nội), hồi bà còn sống. Bà là giáo sư chuyên ngành Tâm lý học, chủ nhiệm đầu tiên của khoa Giáo dục Mầm non Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tác giả của 18 bộ giáo trình. Bà có 40 năm giảng dạy và viết bài cho nhiều tạp chí khoa học, giáo dục. Bà là người bạn đời hiền thục, vô cùng tâm lý với ông và 2 người con gái của ông bà. Mấy năm nay, có lẽ do thời tiết và không khí Hà Nội quá ô nhiễm tôi bỗng nhiên mắc bệnh hen, tôi nghĩ đến ông, người cũng bị hen và khô một bên phổi nhiều năm nay nhất là về già rồi tự hỏi thời tiết chuyển mùa thế này sức khỏe của ông ra sao? Tôi liền gọi điện cho con gái ông, nhà báo Phạm Hồng Tuyến, công tác ở VTV6, chị cho tôi biết, ông rất có ý thức giữ gìn sức khỏe, mấy năm dịch bệnh không ra ngoài, ông cũng đã tiêm phòng dịch, sức khỏe không có gì lo ngại. Chị có trang bị máy cung cấp oxy, kết hợp khí dung để giúp ông khi cơn hen làm ông khó thở… Ở tuổi 92, ông vẫn minh mẫn dù không ngủ được nhiều, ông vẫn đọc báo, nghe đài, theo dõi tin tức, sự kiện. Ông thích xem thời sự, cập nhật tình hình chính trị, xã hội. Ông vẫn giữ thói quen ghi chép mọi thông tin, sự việc trong ngày như hồi còn viết nhạc. Ông có những cuốn sổ lưu đủ các bản nhạc viết tay hơn 700 bài hát của mình, ghi cả ngày tháng, cảm hứng (lý do) sáng tác, ngày phát sóng, ca sĩ thể hiện, giải thưởng nào… Mấy năm gần đây, ông còn ghi chú những hoạt động thường ngày, thông tin ai đến thăm, chỉ số nhịp tim, huyết áp. Phạm Hồng Tuyến bảo những cuốn sổ ghi chép đó là cả một gia sản giá trị của gia đình.
Phạm Hồng Tuyến là con gái út, hiện ở cùng với nhạc sĩ. Chị gửi cho tôi đọc bản thảo cuốn “Hồi ức tuổi thơ” (sắp ra mắt độc giả) của chị, thấy nhiều bài hát cho thiếu nhi của ông xuất phát từ cảm hứng viết cho chị, theo bước chân lớn lên cùng năm tháng của chị mà nhờ đó có thêm nhiều bài hát ra đời. Bắt đầu từ bài: “Đêm pháo hoa là đêm pháo hoa. Pháo đỏ xanh, vàng tím hoa cà…” lúc chị mới 5 tuổi. Rồi tiếp theo là những bài: “Trường chúng cháu đây là trường mầm non”, “Cô và mẹ”, “Cả tuần đều ngoan”... Mùa đông năm 1987, khi Hồng Tuyến một mình đi học ở Liên Xô, nhạc sĩ sáng tác “Cánh én tuổi thơ”. Mặc dù cảm hứng được bắt đầu từ tình cảm riêng tư, viết cho con gái út, nhưng với sự tài hoa của người nhạc sĩ bậc thầy nên tác phẩm đã trở thành bài ca của tất cả những người cùng trang lứa của con gái, có sức sống mãnh liệt, có tính phổ quát, được đông đảo người yêu nhạc (từ trẻ em đến người lớn) đều thích và sẽ còn mãi theo thời gian với thiếu nhi Việt Nam.
Người nhạc sĩ tài hoa và giản dị
Ông sinh ngày 12 tháng 1 năm 1930 tại nhà thương phố Hàng Trống (Hà Nội) quê gốc ở Hải Dương, gắn bó cuộc đời với Hà Nội, nhưng có những năm sống cùng cha ở Huế trong căn biệt thự Hoa Đường rất đẹp bên bờ sông An Cựu thơ mộng. Ông là con thứ 9 của Phạm Quỳnh (1892-1945) và bà Lê Thị Vân (1892-1953). Phạm Quỳnh, hiệu là Thượng Chi, là nhà văn, nhà báo, đồng thời là quan đại thần dưới triều Bảo Đại. Phạm Quỳnh thường được nhắc đến với tư cách là chủ bút tờ tạp chí Nam Phong, là người đi đầu trong công cuộc quảng bá chữ Quốc ngữ và tiếng Việt - ông là tác giả nhiều cuốn sách đối với người Việt chúng ta.
Những năm trước mỗi lần gặp, nếu có sách mới tái bản của cha, tôi lại được nhạc sĩ tặng cho một cuốn. Tôi rất xúc động về tình cảm ông dành cho tôi, vì đó là những cuốn sách rất quý. Nhạc sĩ có gương mặt và giọng nói rất hiền hậu. Thông minh mẫn tiệp, tài hoa đến độ, nhưng ông giản dị và nhỏ nhẹ, không bao giờ lên giọng của một người nổi tiếng và có chức vụ.
Năm vừa rồi, sau 38 năm bài hát “Hòa bình tình yêu”, được ông sáng tác năm 1983, với bản phối mới của nhạc sĩ trẻ Lưu Hà An lần đầu được biểu diễn, nghe xong ông đã rất xúc động. Ông dành lời khen cho hai giọng ca giàu tình cảm của NSƯT Tấn Minh và Bảo Trâm. Mỗi khi nghĩ đến ông, tôi cũng nhớ lại những giọng ca hàng đầu của âm nhạc Việt Nam như: Quốc Hương, Trần Khánh, Quang Hưng, Lê Dung, Ngọc Tân, Thanh Hoa, những người đã hát rất thành công những tác phẩm âm nhạc của Phạm Tuyên.
Cũng trong năm 2021, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu mang tên “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ” nhân ngày nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 91 tuổi. Xuyên suốt chương trình là những bài hát gắn với tên tuổi của ông như: “Từ làng Sen”, “Cánh cò trong câu hát mẹ ru” (ca sĩ Phương Thanh), “Từ một ngã tư đường phố” (ca sĩ Phương Thanh, Tiến Mạnh), “Nơi ấy Trường Sa” (ca sĩ Mỹ Linh), “Khát vọng mùa xuân” (Lều Phương Anh), “Tiễn thầy đi bộ đội” (Nhật Minh Idol), “Nổi trống lên các bạn ơi” (Be Singer), “Rước đèn dưới trăng thu” - “Múa sư tử” - “Chiếc đèn ông sao” (CLB Xusmin), “Cánh én tuổi thơ”, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”..., một chương trình để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả Hà Nội, và làm cho ông vui hơn với cuộc sống vắng bóng người vợ hiền thục yêu dấu của ông.
Tuổi trẻ của ông là những năm công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Là Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước ông đã có những chùm ca khúc về Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, về Thiếu sinh quân Việt Nam. Từ năm 1958, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Từ đó cho đến năm 1975, ông đã sáng tác nhiều bài hát như: “Bài ca người thợ rừng”, “Bài ca người thợ mỏ”, “Bám biển quê hương”, “Yêu biết mấy những con đường”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ”, “Từ làng Sen”, “Đêm trên Cha Lo”, “Từ một ngã tư đường phố”, hợp xướng “Miền Nam anh dũng và bất khuất”.
Bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” được ông sáng tác vào đêm 24/8/1975, tập và thu âm ngay trong chiều ngày 30/4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17 giờ cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Bài hát đó luôn vang lên mỗi khi đất nước có niềm vui, từ chào xuân cho đến kết thúc một trận bóng đá hào sảng. Sau 1975, ông có những ca khúc phổ biến như: “Gửi nắng cho em”, “Con kênh ta đào”, “Màu cờ tôi yêu” (thơ Diệp Minh Tuyền), “Thành phố mười mùa hoa” (1985, thơ Lệ Bình)...
Không chỉ sáng tác âm nhạc, ông còn có nhiều bài báo in trên các tạp chí, đài phát thanh và truyền hình giới thiệu về thẩm mỹ âm nhạc, về tác giả và tác phẩm. Ông cũng là người đề xướng và chỉ đạo nhiều cuộc thi mang tính chất toàn quốc như Tiếng hát hoa phượng đỏ, Liên hoan Văn nghệ truyền hình toàn quốc, nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng giám khảo của nhiều Hội diễn toàn quốc về văn hóa - văn nghệ của Bộ Văn hóa - Thông tin và nhiều ngành khác trong nước. Ông từng là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam (1963 – 1983), là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiều khóa.
Vào năm 1993, ông phổ lời Việt cho một số ca khúc chủ đề trong phim hoạt hình Nhật Bản Doraemon cho Đội ca thiếu nhi TPHCM thể hiện. Sau đó các bài hát được NXB Kim Đồng tập hợp phát hành dưới dạng băng casette gồm 2 vol dưới tên “Chúng ta hát cùng Đô rê mon”.
Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2012, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV.
Cuộc đời gọi ông là người chép sử Việt Nam bằng âm nhạc. Và âm nhạc ghi tên ông - nhạc sĩ Phạm Tuyên vào lịch sử Việt Nam.