Tìm về Kẻ Bưởi

TRANG THANH 03/12/2022 07:18

Loanh quanh thế nào mà tôi từng có thời gian sống ở vùng Kẻ Bưởi chừng 15 năm, lại làm dâu vào đúng gia đình xưa kia có tàu xeo giấy, và ngày ngày tắm gió Hồ Tây, đi dưới những mái cổng làng…

Cổng làng Yên Thái dẫn vào làng An Thọ được trùng tu năm 1998 nhưng vẫn giữ lại những nét cổ với mái ngói quen thuộc.

Tổng Bưởi hay còn gọi Kẻ Bưởi - làng Bưởi nay là phường Bưởi, gồm sáu làng cổ Yên Thái, An Thọ, Ðông Xã, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài hợp thành. Kế Trích Sài có làng Bái Ân, hai làng này vốn cùng nhau chung nghề dệt lĩnh, lĩnh hoa vùng Bưởi từng sánh ngang với lụa the của Vạn Phúc, La Khê (Hà Đông): "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên".

Con phố Thụy Khuê giờ quý ở chỗ còn hiện hữu những chiếc cổng làng có tuổi đời đến cả trăm năm, lưu dấu nét thâm trầm cổ kính của một vùng làng cổ - phố nghề nay đã thực sự trở thành phố thị.

Ngày ngày ra vào qua những cánh cổng làng, luôn thấy dấu vết của làng xã xóm nghề còn phảng phất trong nếp sống của người dân sinh kế mấy đời ở Kẻ Bưởi, mặc dù nghề làm giấy ở đây từ lâu đã không còn. Những cổng làng bên phố bề thế, uy nghi, cổ kính, những cổng xóm nhỏ bé vẫn phảng phất mang mang hồn hoài cổ. Người làng Bưởi cho hay, trong làng xưa có cổng nhà, cổng của các đền, miếu thờ tổ nghề, sau khi đền miếu đổ nát, cổng còn đẹp được dân giữ lại, như muốn gửi một niềm trân trọng về quá khứ.

Nhà tôi trước đây ở ngõ Cổng Xanh, số 514 Thụy Khuê, vốn xưa kia là cổng phụ đi vào làng An Thọ, tên cũ là Cổng Canh. Canh ở đây có nghĩa là canh gác. Từ Cổng Xanh làm mốc mà quan sát, về phía chợ Bưởi, có Cổng Hầu và Cổng Giếng.

Ngày xưa các cổng đều có cánh cửa gỗ, đóng lại về đêm cho sự an toàn của dân làng. Giữa ba chiếc cổng này đều có các ngõ ngang nối chúng thông nhau và cuối ngõ thì thông ra đến mặt Hồ Tây. Cổng Hầu nay là ngõ 528, xưa là làng An Thọ, vẫn hình xưa dáng cũ với mái lợp ngói ta. Nghe nói xưa tại Cổng Hầu có nhiều bậc quan lại trí sĩ ở, gọi là những bậc công hầu.

Thực ra Cổng Xanh và Cổng Hầu xưa là hai cổng phụ của làng Yên Thái. Cổng chính là Cổng Giếng, ngõ 562. Một chiếc cổng khá bề thế, có kết cấu kiểu gian nhà, đường dẫn vào làng lát gạch nghiêng kiểu cổ. Cổng Giếng nay còn nguyên vẹn bốn chữ “mỹ tục khả phong” được vua Tự Đức ban cho.

Từ Cổng Xanh xuôi về phía đầu phố Thụy Khuê, thấy san sát các cổng lớn nhỏ. Làng Đông Xã ở số 444, chiếc cổng chính giữa có dòng chữ “An Đông chính lộ”. Xưa cổng có năm bậc lên xuống, giờ không còn. Làng Hồ Khẩu gọi tắt là làng Hồ, có cổng Giáp Bắc ở số 376; cổng Chùa số 370; cổng Giáp Đông số 324, trên cổng có khắc chữ “Ðông Giáp môn”. Một chiếc cổng to cao bề thế nổi trội hẳn lên trong toàn bộ hệ thống cổng làng Bưởi, là cổng Hồ Ấp, cho đến nay được coi là chiếc cổng đẹp nhất còn sót lại của đất kinh kỳ.

Những chiếc cổng ra vào làng thường cũng nhỏ, đủ để dân làng khiêng kiệu rước lễ đi qua, nhưng bên trong cổng bao giờ cũng là một không gian rộng. Sau này người dân lấn chiếm, biến thành nơi ngồi bán hàng quà. Xưa kia, hẳn đó là những không gian chức năng dành cho việc sinh hoạt chung, đáp ứng các quy ước văn hóa của làng.

Tôi cũng từng có vài năm trọ ở làng Hồ Khẩu, ngày nào cũng luồn qua cổng Giáp Bắc vào làng rồi quành sang Cổng Chùa, đi chợ thì qua cổng Hồ Ấp mà nay gọi là cổng Chợ. Cổng Hồ Ấp (số 372) rất đặc biệt, với hệ thống tam quan, dưới có bậc tam cấp bằng đá xanh, trước có chiếu nghỉ rộng, hai bên có nghê chầu, phía trên có bốn chữ “Hồ Ấp đình môn”, còn nguyên vẹn. Bên trong cổng, người dân họp chợ làng Hồ buổi sáng. Bên cạnh Hồ Ấp đình môn là đình làng Hồ Khẩu, một di tích lịch sử văn hóa tâm linh.

Cổng Xanh trên phố Thụy Khuê.

Phía trong những chiếc cổng làng có tuổi đời cả trăm năm, người dân làng Bưởi ngày nay đã hòa nhập vào đời sống đô thị chung của Hà Nội. Nhưng dấu ấn làng xã với những đại gia đình ba, bốn thế hệ, những khoảnh sân lớn quây quần anh em họ hàng thì vẫn còn. Đại gia đình nhà tôi cũng vậy. Trở về làng cũ, ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm, an ngơi, đầm ấm bên nhau trên mảnh đất thân thuộc của cha ông.

Trước đây, những lúc loanh quanh chơi với các cháu trong sân nhà, mẹ tôi hay chỉ chỗ này xưa là tàu xeo giấy, chỗ kia đặt cối giã dó. Mẹ tôi chừng như nhớ nghề, lại kể, phải qua nhiều công đoạn từ bóc, giã vỏ cây dó rồi nấu chín, đem ngâm vôi cho trắng, sau đó đãi, sàng lọc, cuối cùng là xeo bột, thì mới làm ra được tờ giấy.

Tổng Bưởi ngày xưa vui lắm, thanh niên giã dó từ hai, ba giờ đêm, làng như không ngủ; tiếng gọi nhau cứ í a í ới giữa các tàu giấy, xen lẫn giữa nhịp chày giã dó thình thịch. Người Yên Thái ít phơi mà xưa đã dùng lò sấy để làm khô giấy, việc sản xuất giấy chuyên nghiệp đến nỗi không còn bị phụ thuộc vào thời tiết. Vào các phiên chợ Bưởi ngày tư, ngày chín lịch âm hàng tháng, cả làng đem giấy ra bán.

Làm giấy là một nghề vất vả, cực nhọc: “Giã nay rồi lại giã mai/ Đôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày/ Xeo đêm rồi lại xeo ngày/ Đôi tay tê buốt vì mày giấy ơi!”.

Khi nghề làm giấy bị mai một, không ít gia đình cảm thấy bơ vơ vì họ chẳng có việc gì khác để mưu sinh, đành bám lấy ngôi chợ Bưởi để kiếm kế sinh nhai. Nhà nào rộng đất thì bán bớt để xây nhà, gửi tiết kiệm. Cả một vùng ven Hồ Tây xưa kia vốn đã nên thơ, đẹp đẽ vào bậc nhất kinh kỳ, với một dải làng nghề: Nghi Tàm, Nhật Tân trồng quất, đào; Phú Xá trồng hoa, Đầm Trị trồng sen, ướp trà.

Chuyện gốc tích nghề giấy của Yên Thái có hơi vòng vèo, rằng ông tổ nghề giấy đầu tiên ở làng Thượng Yên Quyết (Cầu Giấy) từ quãng thế kỷ thứ tám, thứ chín. Vì lý do cá nhân, ông chỉ dạy cho dân làng Hạ Yên Quyết (làng Cót) cách làm giấy thô. Men theo sông Tô Lịch, ông đến Nghĩa Đô (làng Nghè) dạy dân làm giấy sắc; đến Yên Thái (còn gọi làng Bưởi, làng Giấy) dạy làm giấy lệnh, sang Hồ Khẩu dạy làm giấy moi, còn dân Đông Xã được ông dạy làm giấy quỳ… Ngày 16 tháng Ba (âm lịch) là ngày truyền thống cúng Tổ nghề, dân Kẻ Bưởi đều mở hội để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính biết ơn.

Nếu đã từng nghe đến tên các loại giấy đặc biệt quý hiếm như giấy mật hương làm từ gỗ trầm thơm, không bị nát khi dính nước, thì có thể hình dung, nghề làm giấy có ở nước ta từ rất lâu đời. Một câu chuyện thực hư từng được lưu truyền là từ năm 284, có thương nhân nước ngoài vào Giao Chỉ mua hàng vạn tờ giấy mật hương để dâng lên vua Tấn Võ đế. Sử liệu thì ghi nhận nghề làm giấy Yên Thái phát triển từ khi có nhà nước Đại Việt, những loại giấy căn bản dùng trong thời đó như: giấy sắc, giấy lệnh, giấy bản, giấy quỳ... đều được dân Kẻ Bưởi làm ra.

Người dân Kẻ Bưởi một thời vất vả với nghề nhưng cũng vì thế mà họ tự hào vì nghề. Nét đẹp văn hóa làng nghề được họ giữ gìn, vun đắp, và một cách rất tự nhiên, trở nên sống động trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày: “Vùng Bưởi có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề xeo can”.

Các cô gái Kẻ Bưởi xưa sống trong nề nếp lễ giáo, trong khuôn khổ quy ước của làng nghề, hẳn rất đoan trang, ý tứ, cũng gửi gắm nỗi lòng người thợ của mình vào câu ca duyên dáng: “Người ta bán vạn buôn ngàn/ Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi/ Dám xin ai đó chớ cười/ Vì em làm giấy cho người viết thơ”.

Không tự hào sao được, khi mà sản phẩm của làng nghề trở thành nơi lưu dấu những nét bút tài hoa, ghi lại những gì tinh hoa nhất thuộc về lịch sử văn hóa của một đất nước, một dân tộc. Biết bao tên tuổi những danh nhân văn hóa, những nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, qua nhiều thời kỳ vàng son của lịch sử dân tộc, đã đặt ngọn bút tài hoa, viết nên những gì hồn cốt nhất, tinh túy nhất của dân tộc mình vào từng trang giấy mà người Kẻ Bưởi làm ra, để lưu lại lâu dài trong sử sách.

Cứ đọc những câu đối còn nguyên vẹn trên các cổng làng Bưởi đến bây giờ, chẳng hạn ở trên “Đông Giáp môn”: “Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu Tây Hồ minh kính/ Thiện ngôn hảo sự trường lưu mạt lợi danh hương” (nghĩa là: Mỹ thục thuần phong soi sáng mãi gương Tây Hồ trong sáng/ Nói hay làm tốt hoa nhài còn mãi danh thơm), và nghĩ đến bốn chữ vàng vua Tự Đức ban cho làng Yên Thái, đủ thấy nơi đây từng là một vùng quê cổ kính, đẹp đẽ, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của một dải đất kinh kỳ.

TRANG THANH