TS Tâm lý học Nguyễn Hữu Long: Thế hệ Gen Z phải đối mặt với nhiều khó khăn
TS Tâm lý học Nguyễn Hữu Long có thời gian dài gắn bó với thanh thiếu niên TPHCM. Anh tham gia, tư vấn, là khách mời nhiệt thành trong nhiều chương trình, hội thảo về tâm lý lứa tuổi. Hiện TS Nguyễn Hữu Long là giảng viên của Trường Đại học Mở TPHCM.
Theo TS Nguyễn Hữu Long: “Dậy thì là khoảng thời gian trẻ bắt đầu trưởng thành về mặt tình dục với đặc trưng là những thay đổi về thể chất và tâm sinh lý, hoàn thiện khả năng sinh sản và đặc điểm giới tính thứ cấp”.
TS Nguyễn Hữu Long chia sẻ, bước vào tuổi dậy thì các bé có nhiều thay đổi đáng kể - giai đoạn này được xem là thay đổi nhất trong những lần thay đổi của con người - nhất là về mặt thể chất và sẽ kéo theo sự thay đổi về tâm lý rất mạnh mẽ của đứa trẻ: “Định hình giới tính mạnh mẽ nhất là ở giai đoạn này, đời sống tình cảm ở giai đoạn này rất phong phú, đa dạng và phức tạp hơn so với lứa tuổi trước đó. Tình cảm trở nên sâu sắc và phức tạp hơn trước đó. Đặc điểm nổi bật ở lứa tuổi này là dễ xúc động, vui buồn chuyển hóa dễ dàng, tình cảm còn mang tính chất bồng bột, hăng say…
Một đặc điểm nữa là quá trình hưng phấn ở lứa tuổi này chiếm ưu thế rõ rệt hơn quá trình ức chế, đồng thời với sự hạ thấp khả năng ức chế của não đối với vỏ não càng gây ra những hiện tượng mất cân đối, khó thở, hay đau vùng ngực, tim đập nhanh hơn, dễ xúc động hơn…, từ đó dễ nảy sinh quá trình các em dễ dàng thay đổi tình cảm, nhanh chóng chuyển từ trạng thái buồn bã sang trạng thái tươi vui, dễ nổi nóng, dễ tức giận, cáu kỉnh, mất bình tĩnh.
Chính sự thay đổi rất mạnh mẽ và khi sự phát triển tâm lý chưa tương thích sẽ làm cho trẻ gặp phải nhiều căng thẳng, áp lực. Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì được coi là giai đoạn mà trẻ gặp những biến đổi về tâm lý do những yếu tố như: sự thay đổi hormone bên trong cơ thể, nền tảng tâm lý chưa vững, những mối quan hệ trong gia đình, bạn bè người thân và xã hội. Tất cả những yếu tố này khiến trẻ rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng, lo âu, mệt mỏi kéo dài. Nếu vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này thì trẻ sẽ trở nên bản lĩnh hơn, trưởng thành, vững chãi hơn.
Khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, các em thường có xu hướng sống khép kín hơn, trở nên tự ti, cho rằng bản thân vô dụng, kém cỏi và khó tự kiểm soát tốt tâm lý, hành vi của mình. Khi bản thân không có đủ sự tự tin sẽ khiến cho các em khó có thể giao tiếp, trở nên rụt rè, nhút nhát, tự nghi ngờ chính mình và không thích biểu hiện cảm xúc, suy nghĩ ra bên ngoài. Do sự biến đổi kéo dài của tâm sinh lý đã làm cho cảm xúc của các trẻ dậy thì càng trở nên nhạy cảm hơn.
Trong nhiều hậu quả do những khó khăn tâm lý dẫn đến thì tình trạng rối loạn cảm xúc sẽ khiến cho trẻ khó có thể tự điều chỉnh được chính mình, buồn vui vô cớ, tinh thần bất ổn, lúc hứng thú, lúc chán nản.Thông thường những trẻ bị rối loạn cảm xúc sẽ cảm thấy khó ngủ, giấc ngủ không trọn vẹn, thay đổi khẩu vị ăn uống, ăn không ngon miệng, suy giảm trí nhớ, vận động kém, đi đứng chậm chạp, mất tập trung.
Ở độ tuổi dậy thì trẻ phải thường xuyên đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng đến từ việc học tập, sự thay đổi của bản thân, các mối quan hệ bạn bè và gia đình. Trẻ sẽ trở nên rất nhạy cảm và có những suy nghĩ tiêu cực về trình độ hoặc ngoại hình của chính mình. Thậm chí đôi lúc trẻ còn có những đòi hỏi hoặc mục tiêu vượt quá khả năng của bản thân khiến trẻ lúc nào cũng thấy căng thẳng, áp lực nên dễ có những suy nghĩ tiêu cực.
Nếu tình trạng không được cải thiện sớm trẻ dễ dàng nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Dễ bi quan và có những hành vi ảnh hưởng đến sức khoẻ và cả tính mạng”.
Từ quan sát của mình, TS Nguyễn Hữu Long cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp cho thế hệ Gen Z có cơ hội tự tìm kiếm kiến thức để phục vụ cho nhu cầu của bản thân – trong đó có kiến thức về giới tính: “Bên cạnh đó cùng với sự tò mò của lứa tuổi và khả năng phát triển về tư duy đã thúc đẩy trẻ ở giai đoạn này có nhiều cơ hội để tự khám phá thế giới, khám phá bản thân.
Thế hệ Gen Z ngày nay nhanh nhẹn, tự chủ và có nhiều ý tưởng, việc làm vừa sáng tạo vừa thiết thực. Bằng chứng là những sản phẩm trong các cuộc thi sáng tạo hay thành tích nghiên cứu của thế hệ Gen Z ngày nay rất ấn tượng không chỉ trong nước mà còn mang tầm khu vực, quốc tế…
Tuy nhiên, thế hệ Z cũng phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống ngày nay. Đó chính là sự thiếu hụt về kỹ năng - trong đó có kỹ năng sử dụng công nghệ hiệu quả để tránh lạm dụng công nghệ một cách thái quá”.
Vì thế, TS Long khuyên, chúng ta nên làm bạn cùng con, đó là cách để hiểu con hơn. Chính việc làm bạn cùng con sẽ giúp tình cảm giữa cha mẹ và con cái trở nên thân tình, gần gũi...: “Từ đây sẽ có nhiều cơ hội để trò chuyện cùng con về các vấn đề liên quan đến con trẻ, trong đó có cả câu chuyện về giới tính. Kiến tạo không gian gia đình để trẻ cảm thấy an tâm học tập, làm việc và tham gia các hoạt động khác.
Cha mẹ hay người lớn cũng cần phải học những thứ mà giới trẻ ngày nay đang sở hữu (công nghệ, mạng xã hội…) để dễ dàng đồng hành cùng con trên mọi mặt trận. Chỉ khi người lớn và trẻ con có những nhu cầu cùng nhau thì mới mong xóa bớt khoảng cách thế hệ…
Giao tiếp với trẻ lúc này cũng cần phải lưu ý về câu từ, ý tứ để tránh làm các em tổn thương. Mặt khác, việc tương tác, giao tiếp 2 chiều giữa người lớn và trẻ cũng sẽ giúp cho các em có cơ hội giãi bày tâm tư, nguyện vọng và chính kiến của bản thân một cách hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần phải làm gương cho các em. Người lớn luôn phải có những lời nói, hành vi tích cực để giúp trẻ cảm thấy cuộc sống thoải mái, yêu đời…
Cần cho trẻ không gian riêng tư để trẻ có cảm giác thoải mái, không bị gò bó. Khuyến khích con trẻ xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi phù hợp, khoa học. Khuyến khích trẻ tăng cường tập thể dục thể thao. Ngoài ra, cha mẹ có thể tạo điều kiện để trẻ lứa tuổi này có thể tham gia thêm một số lớp hướng dẫn kỹ năng giao tiếp hoặc kỹ năng giải quyết vấn đề hay các lớp học khác để trang bị các kỹ năng của cuộc sống hiện đại”.