World Cup 2022: Ngày hội lớn của những kỷ lục

THANH HÀ 30/11/2022 05:58

World Cup 2022 đã chính thức diễn ra từ 21h ngày 20/11 với nhiều kỷ lục lần đầu tiên. Nước chủ nhà Qatar đã đầu tư một số tiền khổng lồ để tổ chức World Cup và người hâm mộ trên toàn thế giới đã chính thức bước vào những ngày sôi động được ăn, ngủ cùng trái bóng.

Quang cảnh buổi lễ khai mạc World Cup 2022 tại sân AlByat, Qatar.

Kỳ World Cup tốn kém nhất lịch sử

Qatar đã chi 300 tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup 2022, trong đó nhằm xây dựng sân vận động, hạ tầng giao thông, thành phố mới... Nếu như tại World Cup 2018, Nga chỉ tốn 11 tỷ USD, tức là thấp hơn cả kỳ World Cup tốn kém nhất trước đó (Brazil 2014, 15 tỷ USD), Qatar đã chi gần… 300 tỷ USD kể từ thời điểm nhận quyền đăng cai World Cup 12 năm trước.

Thời điểm cạnh tranh để tổ chức World Cup năm 2010, Qatar chỉ có một sân vận động và rất ít khách sạn. Đến hết năm 2013, nước này cũng chỉ có 492 km đường giao thông và 22 cây cầu. Vì vậy, trong 12 năm qua, nước này đã chi khoảng 300 tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup 2022. Qatar đã gây tranh cãi ngay từ khi giành quyền đăng cai FIFA World Cup 2022 bởi thời tiết khắc nghiệt, hạ tầng hạn chế. Tuy nhiên, quốc gia vùng Vịnh này đã giải quyết mọi vấn đề bằng một số tiền khổng lồ.

12 năm sau khi giành quyền đăng cai giải đấu, với 300 tỷ USD bỏ ra đầu tư, đất nước nhỏ bé này đã bắt đầu những ngày lễ hội của những cầu thủ hàng đầu thế giới cùng khoảng 1 triệu người hâm mộ. Kết quả của 10 năm xây dựng không ngừng nghỉ là 7 sân vận động, 20.000 phòng khách sạn, một tuyến metro và hơn 1.000km đường đều mới. Không giống như các kỳ World Cup trước khi các sân vận động diễn ra các trận đấu thường rải rác ở nhiều thành phố. Tại Qatar, các trận đấu sẽ được tổ chức tại 8 sân vận động chỉ trong phạm vi gần 50 km tính từ Doha.

Bắt đầu từ năm 2010, quốc gia này đã xây mới 7 sân vận động và nâng cấp 1 sân cho World Cup. Các sân vận động trên tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD của quốc gia này. Các nhà tổ chức của Qatar cho rằng diện tích nhỏ là một điều đặc biệt, không phải điểm trừ. Các sân vận động gần nhau và các tuyến giao thông thuận tiện sẽ cho phép người hâm mộ tham dự nhiều trận đấu trong một ngày. Hầu hết sân vận động sẽ được kết nối bằng phương tiện công cộng, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm mới và đội xe buýt điện.

Qatar đã xây dựng gần 1.000 km đường giao thông mới và tuyến metro ở Doha trị giá 36 tỷ USD. Đất nước này hiện tại cũng có 200 cây cầu, tăng gần 180 cây so với cuối năm 2013. Ngoài ra, họ cũng xây thêm một cảng biển hiện đại, sân bay chính được nâng cấp cùng với Lusail - một thành phố mới ở phía Bắc Doha, trị giá 45 tỷ USD - dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất của Qatar trước World Cup.

Với số tiền khổng lồ bỏ ra đầu tư tổ chức World Cup, người Qatar đầy tự hào khi Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani chính thức khai mạc World Cup 2022 trên sân Al Bayt, thành phố Al Khor và mở ra 1 tháng “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” trên toàn thế giới. “Bóng đá kết nối cả thế giới, đoàn kết các quốc gia nhờ tình yêu của họ với môn thể thao tuyệt vời. Đó là sợi dây của sự hy vọng, niềm vui sướng và sự tôn trọng", diễn viên 85 tuổi người Mỹ Morgan Freeman gây xúc động khi nói chuyện với Ghanim Al Muftah trong lễ khai mạc.

Cũng tại lễ khai mạc năm nay, sân khấu càng trở nên huyên náo khi ban tổ chức phát những đoạn nhạc kinh điển của World Cup trước đây như Waka Waka của Shakira năm 2010, hay các câu hát cổ động phổ biến như "Ole, Ole, Ole". Ban tổ chức gọi đây là "quốc ca của thế giới". Lễ khai mạc năm nay cũng còn nét đặc biệt khác, khi linh vật của các kỳ World Cup trước xuất hiện. Linh vật World Cup đầu tiên là sư tử Anh Willie năm 1966 cho đến sói Zabivaka ở Nga năm 2018. Cuối cùng linh vật kỳ này là La'eeb bay lượn trong sân. Trong tiếng Ả-rập, La’eeb có nghĩa là cầu thủ có kỹ năng siêu việt.

Công nghệ bắt việt vị bán tự động lần đầu được áp dụng.

Cho những lần đầu tiên

Đây là World Cup của nhiều kỷ lục lần đầu tiên: Tổ chức vào mùa đông, kỳ đầu tiên tổ chức tại quốc gia Hồi giáo, có trọng tài nữ điều khiển trận đấu và rất nhiều điều mới được áp dụng trong các trận đấu. Tại World Cup 2022, Qatar tập trung vào kỹ thuật và công nghệ để mang lại trải nghiệm cũng như chất lượng tốt nhất cho kỳ World Cup với nhiều thứ "đầu tiên". Ngoài Goal-line, VAR được nâng cấp, World Cup 2022 còn lần đầu áp dụng công nghệ bắt việt vị bán tự động, ứng dụng theo dõi hiệu suất cầu thủ.

FIFA lần đầu giới thiệu công nghệ việt vị bán tự động năm 2019 và thử nghiệm thành công tại Arab Cup ở Qatar năm ngoái cũng như FIFA Club World Cup tại UAE đầu năm. Đây cũng là công nghệ mới được quan tâm nhất khi áp dụng tại World Cup 2022. Giải pháp này dựa trên 12 camera chuyên dụng gắn dưới mái các sân vận động và được đồng bộ hóa. Dữ liệu theo dõi quang học xem xét 29 điểm dữ liệu di chuyển của từng cầu thủ và vị trí của bóng, được phân tích ở tốc độ 50 lần mỗi giây.

Trái bóng được sử dụng tại World Cup 2022, Al Rihla, có một bộ cảm biến để truyền dữ liệu 500 lần mỗi giây đến phòng VAR. Hai công nghệ này kết hợp để theo dõi di chuyển của từng cầu thủ và "thời điểm bóng rời chân" chính xác trong thời gian thực bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo. VAR sẽ nhận được cảnh báo nếu hệ thống phát hiện việt vị, từ đó xem lại tình huống theo cách thủ công rồi tư vấn cho trọng tài chính. FIFA ước tính công nghệ sẽ giúp cắt giảm thời gian đưa ra quyết định từ mức trung bình 70 giây bằng việc xem lại băng hình ngoài đường biên hiện tại xuống còn từ 20 đến 25 giây.

Chính Công nghệ bắt việt vị bán tự động giúp chủ nhà Qatar thoát bàn thua ở ngay phút thứ 3 trong trận khai mạc. Trọng tài Osrato đưa ra quyết định từ chối bàn thắng của tiền đạo Valencia của Ecuador sau khi nhận sự trợ giúp từ công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT). Tình huống dẫn tới bàn thắng đã được tái tạo trên màn hình sân vận động và gửi đến tivi với hình ảnh động 3D. Quá trình chiếu hình ảnh 3D sẽ được thực hiện sau khi trọng tài đã đưa ra quyết định.

World Cup thường được tổ chức vào tháng 5, 6 hoặc tháng 7 trong năm, nhưng Qatar 2022 đã phá vỡ truyền thống này. Lý do là vào mùa hè, nhiệt độ ở Qatar có thể lên tới hơn 40 độ C, việc dời thời gian tổ chức lại vào mùa đông sẽ mát mẻ hơn. Dù vậy, nhiệt độ mùa đông ở Qatar vẫn có thể ở mức khoảng 30 độ C.

Các nhà tổ chức sẽ chống nóng bằng nhiều phương pháp, ví dụ như sử dụng hệ thống làm mát công nghệ cao trong các sân vận động. Thiết kế hệ thống làm mát của mỗi địa điểm khác nhau để phù hợp với thiết kế và tính năng của mỗi sân.

Tuy nhiên, điểm chung của công nghệ này là sử dụng năng lượng mặt trời. Tại World Cup 2022, nước chủ nhà Qatar ra mắt công nghệ có một không hai trong thể thao. Sân vận động Qatar Foundation được ghi nhận là sân bóng di động đầu tiên trên thế giới. Mọi chi tiết xây dựng nó đều có thể tháo rời, vận chuyển đến một nơi khác và lắp ghép nhanh chóng. Theo giải thích của nước chủ nhà Qatar, điều này xuất phát từ nhu cầu phù hợp của một trung tâm huấn luyện thể thao sau khi World Cup kết thúc.

Từ các ô cỏ trên sân đến từng hàng ghế, nhà vệ sinh và mọi thiết bị, vật tư làm nên sân bóng đều là những mảnh ghép. Trên thực tế, nếu không tổ chức World Cup, Qatar không có nhu cầu xây nhiều sân bóng đến vậy. Vì thế, ngay sau khi World Cup khép lại, Qatar Foundation Stadium được cải tạo trở thành một khu phức hợp huấn luyện thể thao. Nó sẽ có hai bể bơi trong nhà chuẩn Olympic, một khu tập luyện nhảy cầu, một sân điền kinh trong nhà cùng một sân điền kinh ngoài trời. Số ghế ngồi cũng giảm từ 40.000 xuống chỉ còn 25.000.

Qatar 2022 cũng sẽ là kỳ World Cup đầu tiên có các trọng tài nữ điều khiển một trận đấu. Yamashita Yoshimi (quốc tịch Nhật Bản), Salima Mukansanga (quốc tịch Rwanda) và Stephanie Frappart (quốc tịch Pháp) là 3 trong số những người cầm cân nảy mực được chọn cho giải đấu. Cũng tại World Cup 2022, thời gian bù giờ trong mỗi trận đấu đã cao đột biến. Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử các giải đấu lớn trên bóng đá thế giới.

Ngay tại những trận đấu đầu tiên đã diễn ra như tại trận Anh và Iran có tổng cộng 27 phút bù giờ nếu tính cả hai hiệp (14 phút bù giờ ở hiệp 1). Đó là một kỷ lục trong lịch sử World Cup, nếu không tính các trận bị hoãn vì sự cố đặc biệt. Hai trận đấu giữa Senegal - Hà Lan và Mỹ - Xứ Wales cũng đều có thêm 11 phút bù giờ cuối trận.

Trận đấu có ít bù giờ nhất kể từ đầu giải, giữa Qatar và Ecuador cũng có 6 phút cộng thêm ở giai đoạn cuối hiệp 2. Nhờ 27 phút bù giờ trong hai hiệp, trận Anh và Iran đã có tổng cộng 8 bàn thắng, trong đó có 2 bàn đến từ thời gian cộng thêm.

Ở trận Senegal thua Hà Lan 0-2, bàn ấn định tỷ số của "Cơn lốc màu da cam" cũng đến ở phút bù giờ 90+9. Số phút bù giờ cao đột biến ở World Cup 2022, nếu so với các giải đấu lớn trước đó, nằm trong điều chỉnh của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) để khiến trận đấu diễn ra công bằng, các trận đấu nhanh hơn, nhiều tình huống tấn công và xuất hiện nhiều bàn thắng hơn. Việc các trọng tài tăng phút bù giờ ở World Cup 2022 là điều chỉnh bước đầu để tăng tính hấp dẫn cho các trận đấu.

World Cup 2022 tại Qatar cũng là giải đấu có giá vé vào sân cao nhất lịch sử, tăng 40% so với năm 2018. Trung bình, một tấm vé vào sân xem World Cup 2022 có giá 341 USD. Bốn năm trước, các CĐV bỏ ra trung bình 255 USD cho một ghế xem trận đấu tại Nga.

Như vậy, qua bốn năm, giá vé World Cup tăng trung bình 86 USD mỗi vé. Với diện tích chỉ 11.571 km2, Qatar cũng đi vào lịch sử với tư cách là quốc gia có diện tích nhỏ nhất đăng cai tổ chức một kỳ World Cup. Tất cả 8 sân vận động đều nằm trong bán kính 50 km, tính từ thủ đô Doha. Không chỉ có vậy, với dân số vào khoảng 2,9 triệu người, Qatar cũng vượt qua Uruguay để trở thành nước chủ nhà World Cup có dân số ít nhất.

Ronaldo và Messi khiến người hâm mộ bóng đá thế giới "phát sốt" khi xuất hiện cùng nhau trong một bức ảnh.

Kỳ World Cup cuối cùng của nhiều ngôi sao sân cỏ

Giải đấu trên đất Qatar cuối năm nay có thể sẽ là lần cuối cùng người hâm mộ được chiêm ngưỡng những Messi, Ronaldo, Neymar, Modric… trong màu áo đội tuyển quốc gia. Những cái tên kể trên không chỉ vĩ đại, không chỉ sở hữu vô số danh hiệu cá nhân cao quý, giữa họ còn có cùng một điểm chung nữa: đó là nỗi day dứt về World Cup với màu áo đội tuyển quốc gia. Cả Messi và Ronaldo đều tham dự kỳ World Cup đầu tiên vào năm 2006.

Khi đến Qatar, họ sẽ có lần thứ 5 xuất hiện tại sân chơi này. Mặc dù là những cầu thủ vĩ đại bậc nhất của nền bóng đá thế giới, song Messi và Ronaldo chưa từng có một lần chạm tay vào danh hiệu này. Với nhiều gương mặt khác, vô địch World Cup là một mục tiêu khó chạm tới, nhưng chắc chắn họ vẫn muốn kết thúc sự nghiệp đội tuyển quốc gia của mình theo kịch bản đẹp nhất.

Lionel Messi ngay trước khi bước vào trận đấu đầu tiên cùng đội tuyển Argentina đã có những chia sẻ về lần cuối cùng tham dự World Cup và khát khao cháy bỏng muốn dốc toàn tâm sức giúp đội tuyển Argentina mang chiếc cúp vàng trở về quê hương lần đầu tiên kể từ năm 1986: " Đây có lẽ sẽ là kỳ World Cup cuối cùng của tôi trong sự nghiệp, và là cơ hội cuối để tôi thực hiện ước mơ lớn nhất của mình: vô địch World Cup”.

Cũng như Messi, tình cảnh của Neymar, Ronaldo cũng không khác là bao. Với CR7, anh từng góp công giúp đội tuyển Bồ Đào Nha đăng quang Euro 2016. Nhưng chiến công đó kém lung linh đi nhiều khi ngôi sao số một của đội tuyển Bồ Đào Nha phải rời sân sớm ở chung kết vì chấn thương. Ronaldo thành tích tốt nhất là vào tới bán kết năm 2006. Messi tốt hơn khi đi đến trận đấu cuối cùng nhưng rồi vẫn phải chứng kiến đối thủ lên ngôi.

Cả hai siêu sao ấy bao năm qua vẫn đang mỏi mòn đi tìm cho mình chức vô địch World Cup để hoàn thiện bộ sưu tập vốn đã rất đồ sộ và lẫy lừng của bản thân. Ronaldo và Messi đã cạnh tranh cho danh hiệu "Cầu thủ vĩ đại nhất" trong hơn một thập niên qua. Messi hiện đang dẫn trước nhờ giành nhiều Quả bóng vàng hơn với 7 lần, so với 5 của Ronaldo. Nhưng chỉ cần một trong hai giành chức vô địch World Cup 2022 thì cuộc tranh luận sẽ ngã ngũ.

Đáng chú ý hơn, đây cũng được xem là "đấu trường cuối cùng" mà Messi và Ronaldo sẽ đụng mặt nhau ở cấp độ đội tuyển. Nỗi day dứt với màu áo đội tuyển quốc gia của Neymar lại càng lớn hơn.

Anh từng góp công lớn giúp đội Olympic Brazil giành HCV bóng đá nam trong kỳ Olympic diễn ra trên sân nhà vào năm 2016. Dù vậy, Neymar lại đặc biệt vô duyên ở hai giải đấu lớn cấp độ đội tuyển quốc gia là World Cup. Ở World Cup 2014, Neymar cũng từng chơi cực hay để giúp Selecao vào đến bán kết giải năm đó.

Nhưng rồi chấn thương khiến anh lỡ hẹn trận đại chiến với tuyển Đức, và kết quả là Brazil thảm bại 1-7 đầy thất vọng. Lỗi không bởi Neymar, nhưng cơn ray rứt thì đeo đuổi anh mãi mãi. Trái với nỗi day dứt mà Messi, Ronaldo, Neymar đều đang phải trải qua, Luka Modric ấn định việc chia tay đội tuyển Croatia sau World Cup một cách thanh thản.

Lusaid - sân vận động lớn nhất Qatar.

Tiền vệ tài hoa của Real Madrid không chịu nhiều áp lực về danh hiệu. Với hầu hết người hâm mộ, việc Modric có thể dẫn dắt Croatia vào đến chung kết của giải đấu năm 2018 đã là một kỳ tích, không một ai có thể đòi hỏi hơn nữa ở anh.

Dù vậy, những ai yêu bóng đá đẹp thuần túy vẫn kỳ vọng Modric có thể bùng cháy thêm một lần nữa ở độ tuổi 37, trong lần cuối cùng "thế hệ vàng" của Croatia cùng nhau ra sân ở World Cup. Một loạt những ngôi sao khác cũng sẽ có những màn trình diễn cuối cùng của mình tại World Cup và rất có thể là cả trong màu áo đội tuyển quốc gia. Thiago Silva của Brazil, Toni Kroos của Đức, Robert Lewan-dowski của Ba Lan hay Sergio Busquets của Tây Ban Nha là những cái tên tiêu biểu.

Họ là những biểu tượng trong thế hệ của mình và do đó, World Cup 2022 sẽ là một giải đấu đầy cảm xúc khi người hâm mộ phải nói lời chia tay với những danh thủ đã hằn sâu dấu ấn vào tâm trí của họ. Những cuộc chia tay của hàng loạt những ngôi sao sáng nhất của bóng đá thế giới hiện tại sau World Cup sẽ để lại nhiều cảm xúc và sự tiếc nuối lớn trong lòng người hâm mộ.

THANH HÀ