Thủ tục hoàn thuế làm khó doanh nghiệp

T.Hằng 28/11/2022 07:05

Câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa xuất khẩu chưa bao giờ hết nóng. Nhiều doanh nghiệp (DN) than rằng phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế GTGT, phát sinh chi phí lãi vay.

DN than khó về thủ tục hoàn thuế

Ông Tomoki Kawasaki - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hoà), cho biết việc chậm hoàn thuế GTGT của công ty kéo dài đến nay đã 2 năm, lý do là bởi doanh nghiệp (DN) chưa có giấy phép về điện lực vì theo quy định, giấy phép chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động. Trong khi, dự án của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, thời gian đầu tư phải mất 4-5 năm mới có thể đi vào hoạt động.

"Việc kéo dài hoàn thuế 2 năm khiến DN gặp nhiều khó khăn. DN phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế GTGT, phát sinh chi phí lãi vay. Ngoài ra, DN còn đang thua lỗ vì chênh lệch tỷ giá. Vì vậy, DN kiến nghị Bộ Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế địa phương triển khai nhanh" - ông Tomoki Kawasaki kiến nghị.

Ông Thang Văn Thông - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam cho biết, các DN ngành dăm gỗ đang "đau đầu" vì không thể thực hiện hoàn thuế VAT do việc thực hiện các quy định giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan quản lý thuế địa phương không rõ ràng và nhất quán. Cụ thể là việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ đầu vào và xác minh hoạt động xuất khẩu. Theo tính toán của Chi hội (từ quý IV/2021 cho tới nay) số tiền mà các DN dăm gỗ xuất khẩu chưa được hoàn thuế GTGT đã lên tới trên 1.500 tỷ đồng.

Vì vậy, ngành gỗ kiến nghị các cấp quản lý cần thống nhất các quy định, tránh chồng chéo và đảm bảo tính nhất quán đồng thời có các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các DN thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản hợp pháp trong quá trình hoàn thuế GTGT. Tổng cục Thuế chỉ cần xem xét xác minh nguồn gốc lâm sản đối với đơn vị đứng sau DN xuất khẩu.

“Hoàn trước kiểm sau” và “kiểm trước hoàn sau”

Trả lời câu hỏi của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Dịch vụ Tổng hợp Nghệ An liên quan đến việc hoàn thuế xuất khẩu nói chung và hoàn thuế xuất khẩu tinh bột sắn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, các DN được hoàn thuế GTGT nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục về hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Nghệ An phối hợp và làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ các nội dung liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Căn cứ trên kết quả xác minh, trả lời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trường hợp nếu đủ kiện sẽ thực hiện hoàn thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ thêm, đối với DN khó khăn, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng phải có trách nhiệm và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT chỉ rất rõ là có 2 loại “hoàn trước kiểm sau” và “kiểm trước hoàn sau”. Khi có rủi ro thì hệ thống sẽ tự xác định là kiểm trước hoàn sau, do vậy các DN cũng cần chia sẻ với cơ quan thuế về việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, chính sách của Nhà nước là nhất quán, tuy nhiên chuỗi sản xuất kinh doanh của DN có những yếu tố vòng vèo thì phải đánh giá, nhận định sát. Trước đây xảy ra vụ gian lận đối với cà phê, trong đó có DN sản xuất cà phê Tây Nguyên nhưng lại bán lòng vòng cho F1 là DN ở Đồng Nai, F2 là DN ở TP Hồ Chí Minh, F3 là DN ở Cần Thơ, F4, F5 lại quay lại DN ở Tây Nguyên sau đó mới xuất khẩu. Do đó, cần phải xác minh, điều tra cụ thể, phải có nộp thuế thì mới có hoàn thuế.

Đứng về góc độ pháp lý, ông Tuấn mong muốn DN cần chia sẻ với cơ quan quản lý về việc thực hiện các quy định của pháp luật. Bởi nếu làm sai thì cơ quan Thuế sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với DN là vì sự nghiệp kinh doanh, còn đối với cơ quan quản lý thì công chức vừa được giao nhiệm vụ thực hiện, giám sát DN tuân thủ pháp luật, đồng thời vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, tạo sự bình đẳng giữa các DN... Bên cạnh đó, Hiệp hội là tổ chức, đầu mối đại diện bảo vệ quyền lợi cho DN nhưng cũng nên phối hợp, hợp tác với cơ quan quản lý để đấu tranh với những trường hợp sai.

T.Hằng