Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho lao động mất việc: Không để chậm trễ
Đó là khẳng định của ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xung quanh việc giải quyết chế độ cho những lao động mất việc, phải nghỉ việc giữa chừng do doanh nghiệp không có đơn hàng dịp cuối năm.
Sớm giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Báo cáo của 25 địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề đơn hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày; ngoài ra có một số ít doanh nghiệp (DN) điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Đến nay có 485 doanh nghiệp với hơn 630.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Trong đó, hơn 34.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm.
Theo ông Bình, trước mắt, Cục Việc làm sẽ chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) bị mất việc làm. Với những DN cắt giảm lao động lớn cần tập trung giải quyết khó khăn cho NLĐ. Lãnh đạo Cục Việc làm yêu cầu, trong quy trình giải quyết BHTN, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm việc cho lao động mất việc.
Đồng thời, Cục Việc làm cũng đề xuất đẩy mạnh đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, bởi lẽ đây cũng là cách tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động; đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho người lao động về quê. “Cục Việc làm sẽ đề xuất giải pháp theo nhiều tầng để hỗ trợ tối đa người lao động” - ông Bình thông tin.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đã đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách theo quy định của pháp luật cho người lao động. Trong trường hợp không thể tiếp tục giữ chân NLĐ, cần giới thiệu việc làm cho họ, nhất là với những DN đang có nhu cầu tuyển dụng.
Với NLĐ, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn có nhiều biến động, cần nỗ lực trau dồi kiến thức để có khả năng chủ động ứng phó với những thách thức của nền kinh tế có thể xảy ra trong thời gian sắp tới. “Các cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến những hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn nếu một gia đình mà cả hai vợ chồng đều mất việc, thì những đối tượng này phải được quan tâm hơn, chí ít phải làm sao để một người có việc làm” - ông Hải lưu ý.
Đảm bảo cung - cầu lao động thông suốt
Nhìn nhận về làn sóng cắt giảm việc làm cuối năm, bà Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội , Bộ LĐTB&XH cho rằng, đây là giai đoạn phục hồi của thị trường lao động nên vẫn có những DN chịu ảnh hưởng tiêu cực sau đại dịch. Do đó, để giảm bớt chi phí, DN vẫn có xu hướng cắt giảm phúc lợi, tiền lương và hợp đồng lao động.
Trong bối cảnh đó, bà Hương cho rằng các cơ quan quản lý cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ DN và NLĐ. Riêng các Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho DN giải quyết chính sách cho người lao động.
Nhấn mạnh vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, bên cạnh việc chia sẻ với DN trong bối cảnh bị giảm đơn hàng, bản thân họ cần cần nhận thức đầy đủ, biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian này, NLĐ nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức, đồng thời họ cần chủ động với các Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp.
“Các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho DN giải quyết chính sách cho NLĐ. Đơn vị này cũng cần nắm thông tin thị trường lao động cung ứng lao động các đơn vị giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn” - ông Trung nhấn mạnh.
Ở góc độ là đơn vị kết nối DN và NLĐ, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện nay dù Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc chưa ghi nhận làn sóng cắt giảm việc song căn cứ diễn biến trên thị trường lao động, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các nhóm đối tượng phù hợp. “Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, tập trung tối đa để hỗ trợ tốt nhất cho DN và người lao động tìm kiếm việc làm. Qua đó, giúp DN có thể tuyển dụng đủ lực lượng lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, còn NLĐ sẽ tìm kiếm được việc làm, đảm bảo cho thu nhập, ổn định cuộc sống” - ông Thành nhấn mạnh.
“Trước mắt, DN cần điều tiết lại lực lượng lao động; có chương trình đào tạo để nâng cao tay nghề lao động. DN cũng cần tích cực tìm kiếm thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, làm đẹp mẫu mã để có khả năng chinh phục được các thị trường khó tính hơn. Hiện nay, Bộ Công thương và các bộ, ngành khác đang tích cực triển khai quảng bá hình ảnh, thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng như cung cách làm ăn của DN Việt Nam; quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cộng đồng DN, chúng tôi tin rằng, những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời” - Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.