Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Ngày 27/11, tại Hà Nội, hơn 450 người, bao gồm sinh viên đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội đã cùng tham gia giải chạy “Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” để truyền đi thông điệp nói “KHÔNG” với bạo lực trên cơ sở giới.
Giải chạy được tổ chức tại Công viên Yên Sở, Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) và Chính phủ Australia.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA khẳng định: “Một xã hội hạnh phúc là một xã hội mà tất cả mọi người, trong đó có phụ nữ và trẻ em được an toàn và khoẻ mạnh… Chúng ta có mặt ở đây hôm nay, cùng chạy với nhau, mạnh mẽ và vui vẻ để truyền đi thông điệp rằng, cuộc sống còn biết bao nhiêu niềm vui được làm nên bởi tình yêu, sự trân trọng lẫn nhau, sự yêu thương lẫn nhau, chăm sóc bản thân và chăm sóc những người bên cạnh mình.”
Hàng trăm sinh viên đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội đã tham gia vào giải chạy nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm chung trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi thái độ, hành vi của mọi người hướng tới việc tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực giới.
Giải chạy đã thu hút sự tham gia của đại diện các tổ chức xã hội, các cơ quan ngoại giao, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái.
Trong bài phát biểu khai mạc, Bà Pauline Tamesis – Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi mọi người hãy cùng chúng tôi lan tỏa thông điệp của giải chạy ngày hôm nay và mỗi chúng ta hãy là tác nhân thay đổi, hướng tới việc chấm dứt bạo lực gia đình và bạo lực giới ở Việt Nam, từ đó xây dựng một đất nước nơi tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được tôn trọng và bảo vệ”.
Phó Đại sứ Úc, ông Mark Tattersall nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc: “Hãy lan tỏa nguồn năng lượng mạnh mẽ từ giải chạy tới tất cả mọi người trên khắp đất nước Việt Nam, để mọi người đều hiểu rằng bạo lực là không thể chấp nhận, rằng những người chứng kiến bạo lực với trẻ em và phụ nữ không nên im lặng và rằng các dịch vụ hỗ trợ để phá vỡ vòng xoáy bạo lực đang ngày càng phát triển ở Việt Nam”.
Với thông điệp “Chấm dứt im lặng là chấm dứt bạo lực”, giải chạy là một trong những nỗ lực của CSAGA, UNFPA và chính phủ Úc cùng tất cả các bên liên quan trong việc chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.
Trước thềm giải chạy, người tham gia đã cùng chia sẻ hàng trăm thông điệp kêu gọi xóa bỏ bạo lực giới và thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ba thông điệp ý nghĩa nhất được lựa chọn chính là: “Đừng ngồi yên chờ bình đẳng giới. Hãy hành động để nó được hiện thực hoá mỗi ngày”; “Tôi là một nạn nhân của bạo lực gia đình “tinh thần”. Tôi ở đây để lên tiếng và chạy vì chính mình. Vì một Việt Nam không có bạo lực gia đình”; “Nam + Nữ = cả bầu trời. Nam giới nói không với bạo lực với phụ nữ và trẻ em để cả bầu trời được trọn vẹn”.
Bên cạnh đó, một phần đố vui cũng đã được tổ chức nhằm lan tỏa rộng rãi những kiến thức, thông tin về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.
Theo kết quả của cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam năm 2019 được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Chính phủ Úc, cứ ba phụ nữ thì có hai người (63%) từng bị bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế bởi chồng trong đời. Thêm vào đó, hầu hết phụ nữ (chiếm 90,4%) đã từng trải qua bạo lực về mặt thể chất bởi chồng/ bạn tình không hề tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ chính thức hoặc chính quyền và một nửa trong số đó chưa bao giờ tiết lộ với ai về tình trạng bạo lực của mình. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới đã gây ra những tổn thất về kinh tế tương đương 1.8% GDP hàng năm của Việt Nam.