8 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại

Việt Thắng 28/11/2022 18:03

8 địa phương gồm: Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định, Trà Vinh đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng hơn 234,8 tỷ đồng.

Chiều 28/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và bổ sung vốn nước ngoài cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại tờ trình số 427/TTr-CP, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ 7.497,732 tỷ đồng trong tổng số 7.942,139 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 CTMTQG.

Bên cạnh đó, bổ sung 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021-2025 của CTMTQG xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, nguồn bổ sung từ kế hoạch vốn nước ngoài chưa phân bổ (90.342,102 tỷ đồng). Đồng thời, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ số vốn này cho 16 tỉnh tham gia Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Thẩm tra nội dung trên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí phương án phân bổ 7.497,732 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 CTMTQG cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đối với số chưa phân bổ 444,407 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển của CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí cho phép bố trí kế hoạch vốn nước ngoài 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) trong KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Thống nhất phương án phân bổ chi tiết số vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn nước ngoài của ngân sách Trung ương là 2.050 tỷ đồng cho các địa phương theo đề xuất của Chính phủ.

Với 100% các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua phương án phân bổ 7.497,732 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 CTMTQG cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đối với số chưa phân bổ 444,407 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển của CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho phép bố trí kế hoạch vốn nước ngoài 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) trong KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Thống nhất phương án phân bổ chi tiết số vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn nước ngoài của NSTW là 2.050 tỷ đồng cho các địa phương theo đề xuất của Chính phủ.

Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. Tại phiên họp, ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Tài chính cho biết, Quốc hội quyết định tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 là hơn 28.636 tỷ đồng, trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/8/2022, có 15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 1 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn. Điều này dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt.

Cụ thể, 8 địa phương (Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định, Trà Vinh) đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng hơn 234,8 tỷ đồng. 7 địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa) có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số tiền đề nghị giảm là hơn 1.547 tỷ đồng. Bắc Kạn đề nghị trả nợ vay lại trước hạn hơn 33,6 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban này cho rằng, nội dung Chính phủ trình về điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tán thành với quan điểm của Uỷ ban Tài chính ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền là đúng quy định, và cần thiết. Đây là vấn đề đáng trình tại kỳ họp thứ 4 nhưng không kịp. Do đó Chính phủ cần rà soát các vấn đề để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2023.

Việt Thắng