Xóa đói giảm nghèo ở cao nguyên đá
Hà Giang là tỉnh có diện tích rộng tới 7.900 km2. Nhưng toàn tỉnh chỉ có 17% diện tích có thể canh tác nông nghiệp. Vùng phía Bắc gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc có tới 90% diện tích là đá.
Hà Giang là một trong những địa phương khó khăn nhất so với cả nước. Song, tỉnh đã vận dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, kết hợp với việc tái cơ cấu nông nghiệp, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình làm ăn nên nhiều địa phương đang đẩy lùi cái nghèo.
Gia đình anh Hầu Mí Na, thôn Nà Poòng, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc được công nhận hộ nghèo từ năm 2013. Gia đình anh Na vốn thuộc diện “nghèo bền vững”. Không chỉ nuôi vợ con, anh Na còn chăm lo cuộc sống 3 người con của người anh trai đã qua đời. Mọi người trong thôn bản đều thông cảm với cuộc sống của gia đình anh Na. Các khoản hỗ trợ đều dành giúp gia đình anh đỡ đi phần nào gánh nặng cuộc sống. Nhưng gần đây, anh Hầu Mí Na bỗng dưng “nổi tiếng”. Lý do bởi anh đã mạnh dạn viết đơn xin “thoát nghèo”. Không phải vì phong trào, mà bản thân anh, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, kinh tế gia đình anh đã khấm khá lên.
Anh Na chia sẻ: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là đưa nguồn vốn hỗ trợ không lãi suất, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn để mua bò vỗ béo, bò sinh sản, gia cầm, giống cây trồng mới về gieo trồng, chăn nuôi phát triển kinh tế. Vì vậy, tôi mạnh dạn xin ngừng nhận các khoản hỗ trợ của Nhà nước”.
Ông Hoàng Văn Phù - Trưởng thôn Nà Poòng cho biết: “Việc làm của anh Na rất đáng để các hộ học tập và làm theo. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân dân trong thôn mạnh dạn hơn nữa để vươn lên phát triển kinh tế”.
Những câu chuyện như gia đình anh Na ngày một phổ biến hơn ở Hà Giang. Cũng cùng địa bàn huyện Mèo Vạc của anh Hầu Mí Na, nhiều mô hình kinh tế thoát nghèo đã được triển khai hiệu quả. Nổi bật nhất là việc huyện triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, trong đó lấy chăn nuôi lợn là hướng đi trọng tâm trong công tác xóa đói giảm nghèo. Nuôi lợn đen Lũng Pù khá đơn giản, khả năng thích nghi với khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh tốt, đạt năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon.
Trước đây, mỗi hộ gia đình chỉ nuôi vài con lợn đen để thịt, thi thoảng mới đem ra chợ bán. Ông Ma Quốc Trưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, huyện đã vận động nhân dân triển khai các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa, UBND huyện đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân gây dựng đàn giống để cung cấp cho các tỉnh bạn và tăng đàn lợn thịt. Đồng thời, huyện Mèo Vạc cũng vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo hình thức liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm; xây dựng kế hoạch quảng bá và định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù đến người tiêu dùng...
“Mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2025, tổng đàn lợn trên toàn huyện đạt 54.426 con, số lượng thịt lợn xuất chuồng 39.754 con, sản lượng thịt đạt 1.800 tấn. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mèo Vạc còn ưu tiên thực hiện phát triển giống bò Vàng địa phương, gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ, mở rộng quy mô phát triển mật ong Bạc hà, lợn đen Lũng Pù… theo hướng hàng hóa. Nhiều địa bàn đã vươn lên mạnh mẽ” - ông Trưởng chia sẻ.
Yên Minh là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, với 15/18 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy nhiên, huyện Yên Minh nay đã là một điển hình tiến bộ. Câu chuyện thoát nghèo có thể thấy ở bất cứ đâu. Phú Lũng là một trong số đó. Phú Lũng là xã biên giới, điều kiện tự nhiên bất lợi, đời sống người dân còn khó khăn. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã thực sự là đòn bẩy giúp đồng bào các dân tộc nơi đây vươn lên. Từ việc vay vốn theo Dự án hỗ trợ lợn giống tạo sinh kế, người dân xã Phú Lũng đã có thêm thu nhập, đời sống người dân được nâng cao, nhiều hộ xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện đạt 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Yên Minh năm 2021 đạt 18,64 triệu đồng/người/năm. Yên Minh đang kiên định với mục tiêu tiếp tục duy trì tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 6%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 31,5 triệu đồng/năm.
Mấu chốt của thành công chính là việc Nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi, cho vay bò sinh sản. Để thực hiện việc đó, bản thân tỉnh Hà Giang cũng đang tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 42,08% xuống còn 39%. Và vào thời điểm cuối năm này, mục tiêu đó dần trở thành hiện thực. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng người Hà Giang vẫn đang bền bỉ “sống trên đá, thoát nghèo trên đá”.