Xuất khẩu gạo: Cơ hội 'vàng' để tăng tốc

Lê Bảo 29/11/2022 06:56

Ngành gạo nước nhà trong những năm gần đây đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ gạo phân khúc thấp sang chất lượng cao. Gạo Việt đang tạo nên những con số ấn tượng, mục tiêu “cán đích” xuất khẩu 7 triệu tấn gạo năm 2022 dường như đã trong tầm tay.

Xu hướng tăng giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài tới cuối tháng 12/2022. Ảnh: Quang Vinh.

Gió đổi chiều

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sản lượng gạo xuất khẩu tháng 10 ước đạt 700.000 tấn với trị giá đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về sản lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 43 - 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 - 23 triệu tấn gạo, với trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, 15% sản lượng gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước hàng năm. Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sản xuất sạch, bền vững. Cụ thể, doanh nghiệp, nông dân tại Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đang tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cám, phân hữu cơ. Qua đó, hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, chú trọng phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 50% phát thải khí mê tan.

Giới chuyên gia nhận định, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển mình từ gạo phân khúc thấp sang chất lượng cao. Đặc biệt trong nửa đầu năm 2022, cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%...

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 438 USD/tấn, so với mức 425 - 430 USD/tấn trong tuần trước, đây là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn. Với mức giá này, hiện giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì đà dẫn đầu thế giới.

Đại diện Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Các đơn hàng liên tục được ký mới. Theo đó, Công ty vừa trúng gói thầu xuất khẩu (XK) 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với trị giá hơn 9 triệu USD, dự kiến sẽ XK vào đầu năm 2023.

Bà Đoàn Xuân Khánh Quyên - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cũng thông tin, giá lúa gạo tại thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực ĐBSCL trong những ngày đầu tháng 11/2022 liên tục tăng. Hiện ở nhiều vùng, lúa mới khoảng 50 - 60 ngày tuổi đã có thương lái đến đặt cọc. “So với mức giá đỉnh hồi tháng 10/2022, giá gạo XK hiện tiếp tục tăng bình quân từ 10 - 20 USD/tấn” - bà Quyên nói.

Xung quanh câu chuyện giá gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đánh giá, những năm gần đây đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản xuất lúa gạo ngày càng nâng cao chất lượng. Ảnh: Quốc Trung.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

Nhận định của giới chuyên gia cũng như của các doanh nghiệp (DN) cho thấy, xu hướng tăng giá gạo XK sẽ tiếp tục kéo dài tới cuối tháng 12/2022. Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu) và tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc (thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới) đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ đánh thuế 20% gạo XK của ngước này cũng là cơ hội cho ngành XK gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Thực tế, trong giai đoạn 2017 – 2018, Ấn Độ chỉ XK khoảng 8 – 9 triệu tấn gạo/năm, khi đó giá gạo XK của Việt Nam khá tốt. Tuy nhiên, vào năm 2021 khi Ấn Độ đưa sản lượng gạo XK lên trên 21 triệu tấn, giá gạo trên thị trường bị sụt giảm mạnh. Ấn Độ vốn được xem là đối thủ "nặng ký" trong cạnh tranh XK gạo ở phân khúc phẩm cấp trung bình với Việt Nam. Tuy nhiên, việc Ấn Độ áp thuế 20% đối với các loại gạo XK sẽ làm cho giá gạo Ấn Độ đắt hơn gạo của nhiều quốc gia XK khác, tạo cơ hội để gạo Việt Nam lấy lại những thị trường trước đây bị Ấn Độ lấn át.

Dù có nhiều điểm sáng song theo giới chuyên gia, để giữ vững thị phần XK gạo cũng như đưa ngành gạo giữ vị thế ổn định ở thị trường thế giới, còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Phan Minh Thông - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững nông nghiệp nông thôn, gạo Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao.

Đề xuất giải pháp phát triển thị trường, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông cho rằng, những năm gần đây, việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đó là áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng, chất lượng lúa gạo, chất lượng giống, quy trình, nhằm mục tiêu quan trọng là nâng cao giá trị xuất khẩu. Song để phát triển ngành hàng lúa gạo, cần sự liên kết, vào cuộc của nhiều nhà: Nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà quản lý...

Xung quanh câu chuyện liên kết, ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện nay đang có nhiều DN thực hiện rất tốt việc liên kết chuỗi giá trị lúa gạo như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long… Riêng diện tích của Lộc Trời đã tăng lên trên 40.000ha và dự kiến sẽ tăng lên hơn 100.000ha, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất lúa của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Thọ, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến:

Tái cơ cấu để nâng cao giá trị ngành gạo

Năm 2022, diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7,2 triệu ha như kế hoạch, sản lượng thóc cả năm trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho xuất khẩu đạt khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn. 10 năm qua trung bình mỗi năm chúng ta đã xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, với dư địa hiện nay, ước tính cả năm nay sẽ xuất khẩu 7,2 - 7,3 triệu tấn gạo. Như vậy, năm 2022 sẽ là năm đạt khối lượng xuất khẩu cao thứ hai trong lịch sử ngành lúa gạo. Kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm có khả năng đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.

Để đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện canh tác lúa ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ DN chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Bộ NNPTNT đang phối hợp với Bộ Công thương liên tục cập nhật diễn biến thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho DN. Thời gian tới, Bộ NNPTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, DN tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo nước nhà.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT:

Tận dụng lợi thế từ các FTA

Trung Quốc là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt. Quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,… Hiện có 22 DN Việt được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định. Bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là 2 thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu cao. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật… của thị trường nhập khẩu.

Lê Bảo