Khẳng định giá trị của hạt gạo
“Xuất khẩu gạo đã có những dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo chất lượng vượt trội, khả năng cạnh trạnh cao. Để tiếp tục phát huy giá trị gạo Việt, thời gian tới cần chú trọng việc cơ cấu, đầu tư công nghệ và liên kết xây dựng thương hiệu...” – TS. Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định với Đại Đoàn Kết.
PV: Ông có thể đánh giá về sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cụ thể là cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất của cả nước, thưa ông?
TS. Trần Hữu Hiệp: Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển từ cơ cấu lúa gạo, trái cây, thủy sản sang giai đoạn mới là thủy sản, trái cây, lúa gạo, cho thấy vị trí của lúa gạo mặc dù xếp thứ 3, nhưng vai trò, tầm quan trọng của nó không mất đi.
Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của sự chuyển đổi này. Cho đến nay lúa, gạo vẫn là ngành đặc biệt quan trọng, còn hơn chục triệu nông hộ vẫn gắn liền với cây lúa.
Ngành lúa gạo đang có bước chuyển mới, vì vậy cần có nhận thức đúng với tư duy, cách tiếp cận mới. Đó là tiếp cận từ góc độ tự nhiên, là điều kiện sinh thái đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết, đặc biệt là tài nguyên nước. Trong khi tài nguyên nước ở sông Mekong đang có những thay đổi lớn, đang bị tác động từ chuỗi các đập thủy điện thượng nguồn, lượng phù sa qua xem xét và tính toán đã bị giảm khoảng 40% trong vòng 50 năm qua. Và tính thất thường của thời tiết thủy băng của dòng Mekong đã có những tác động lớn, buộc ngành trồng lúa phải thay đổi.
Cái mới thứ hai đó là thị trường thay đổi. Nếu như trước đây chúng ta tiếp cận theo hướng sản xuất lúa, gạo là để ăn, tiếp cận theo nguồn dinh dưỡng là chủ yếu, thì bây giờ chuyển sang một cấp độ cao hơn, theo sắp xếp của thế giới hiện đã lên bậc thứ 4. Cụ thể ngày xưa ăn để no, sau đó ăn để ngon, tiếp đến ăn an toàn. Ngày nay vẫn ở mức ăn an toàn nhưng lại ở cấp độ cao hơn, đó là ăn để trị bệnh, tất nhiên không bỏ qua yếu tố cung cấp dinh dưỡng cho ngon miệng…như vậy hạt gạo cũng phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu đó. Hiện gạo Việt đang tiếp cận thị trường cao cấp, khó tính hơn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), phân khúc gạo chất lượng cao được đặc biệt quan tâm.
Điều thứ ba đó là có những bước chuyển dịch trong công nghệ, hiện chúng ta số hóa đồng ruộng, ứng dụng viễn thám ngày càng nhiều hơn. Những công nghệ sẽ làm giảm chi phí đầu vào đồng thời nâng cao giá trị hạt gạo.
Điều đặc biệt nữa là việc tiêu thụ, xuất khẩu phải luôn gắn với việc truy xuất nguồn gốc đòi hỏi mã vùng trồng. Từ đó đặt ra vai trò mới đối với người nông dân đó là không thể đi một mình như các nông hộ nhỏ lẻ, mà phải liên kết lại thành các mô hình hợp tác, hợp tác xã.
* Để phát huy được giá trị hạt gạo, vấn đề đầu tư, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sự liên kết và xây dựng thương hiệu gạo trong thời gian tới thế nào thưa ông?
- Với những bước chuyển và yêu cầu mới của thị trường, chúng ta đặt ra các giải pháp tập trung trong thời gian tới. Theo đó, cần phải tập trung cho sản xuất lớn chứ không nhỏ lẻ như thời gian qua. Từ đó đòi hỏi phải có các mô hình hợp tác, cho đến nay mô hình cánh đồng lớn vẫn là mô hình trọng yếu. Nhưng thay vì cánh đồng lớn ngày xưa chỉ nhìn ở không gian vật lý, giờ đòi hỏi cái mới. Bên cạnh không gian vật lý, quy mô lớn phải tích hợp những giá trị, công nghệ mới vào trong đó như công nghệ viễn thám để theo dõi quá trình tăng trưởng của cây lúa, phải tích hợp những giá trị khác ngoài cây lúa ví dụ như những mô hình lúa tôm hay mô hình du lịch nông nghiệp… đó mới thực sự là cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật số, tích hợp những giá trị công nghệ trong đó. Có nhiều giá trị tích hợp ở đây thì ngành công nghiệp gạo mới phát triển được.
Muốn làm được điều trên phải kết hợp giải quyết những vấn đề về cơ chế chính sách pháp luật, gắn với việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới.
Ngoài ra cách tiếp cận thị trường cũng cần phải được chú ý. Hiện nay thị trường đã được thay đổi, tất nhiên vẫn còn một số quốc gia giữ vững nhập khẩu của Việt Nam như Indonesia đang đặt vấn đề nhập khẩu 500 nghìn tấn gạo ngay lúc này. Nhưng với cách tiếp cận chuyển đổi hạt gạo Việt, có ít nhất 3 phân khúc, một là phân khúc cho gạo cấp cao ở những thị trường có thể làm tăng giá trị sản lượng; Phân khúc thứ 2 là thị trường trong nước. Việt Nam với 100 triệu dân đều ăn cơm là chính. Do đó, thị trường nội địa rất lớn và giàu tiềm năng. Phân khúc thứ 3 là gạo là đầu vào, là nguyên liệu cho những ngành sản xuất, trong đó có những ngành sản xuất lương thực, thực phẩm truyền thống và những ngành mà tạo ra các giá trị mới cho hạt gạo.
Ở khâu sản xuất, thời gian qua đã có nhiều ứng dụng công nghệ tốt rồi, nhiều khâu làm đất, thu hoạch đã được cơ giới hóa…được áp dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên điều quan trọng là những công nghệ này phải được áp dụng trong phạm vi và quy mô lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó quá trình sản xuất phải luôn gắn liền với thị trường tiêu thụ, ví dụ khách hàng ở nước ngoài muốn nhập khẩu gạo họ phải tiếp cận được nguồn gốc hay nói cách khác họ phải truy xuất được nguồn gốc mặt hàng đó. Vì vậy nông dân phải gắn sản xuất với xây dựng thương hiệu hạt gạo, để khách hàng tin tưởng khi họ truy xuất nguồn gốc các mặt hàng. Việc xây dựng thương hiệu hạt gạo cũng đang được nhà quản lý hết sức chú trọng.
Là đối tượng sản xuất chính, làm ra hạt gạo nhưng người nông dân vẫn nghèo, rất ít người giàu nhờ trồng lúa. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này, thưa ông?
- Phải nhìn nhận vấn đề lâu nay chúng ta vẫn hay nói đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa ít nhất lãi 30%, đây là con số “đẹp”. Tuy nhiên có thực chất như vậy hay không, cần phải tính toán giá trị thật của nó và phải tính thu nhập trong năm của người trồng lúa. Vì một năm làm 2 vụ, vậy thu nhập 30% đó được tính theo từng vụ lúa hay cả năm. Vì người nông dân họ phải trang trải đủ mọi chi phí, gánh nặng cho một năm sản xuất. Cũng phải thừa nhận vẫn có những người nông dân khá, thậm chí có người giàu, nhưng đây chỉ là con số ít và nông dân muốn giàu thì phải có diện tích đất lớn và không thể độc canh cây lúa.
Chúng ta cần phải thừa nhận, nông dân vẫn là đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt là người trồng lúa độc canh, họ không thể giàu lên chỉ với duy nhất nghề trồng lúa. Vì vậy muốn nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân phải gắn với chuyển đổi chung của ngành lúa gạo.
Nói tóm lại nông dân muốn thoát nghèo phải thoát khỏi độc canh cây lúa, thoát khỏi sản xuất nhỏ lẻ, thoát khỏi sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay, phải tiếp cận với kinh tế nông nghiệp, khoa học công nghệ, số hóa... Người nông dân không thể đi một mình riêng lẻ trong hội nhập thị trường ngày nay.
Trân trọng cảm ơn ông!