Định vị giá trị gạo Việt

Phong Vân 29/11/2022 06:55

Tại diễn đàn kết nối nông sản mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế ở nhiều quốc gia, Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.

Ảnh minh họa.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng gạo năm nay có thể đạt từ 6,8 - 7 triệu tấn.

Giới chuyên gia thì nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.

Có thể thấy, mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng, nguyên nhân là do các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản như ST24, ST25 được trồng ngày càng nhiều. Hiện tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50% trong tổng lượng gạo, nên xuất khẩu năm nay dự kiến đem về trị giá 3,6-3,7 tỷ USD, có thể nói là cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị. Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.

Ông Phan Minh Thông - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn nhận định, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, song chưa sở hữu được những thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế.

Nói như chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, hiện nay gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua thu gom của thương lái, “đánh bóng” rồi đem bán. Do đó, trừ một số loại gạo có thương hiệu có giá xuất khẩu khá cao, còn lại, gạo Việt Nam xuất khẩu phần lớn không có thương hiệu, không truy xuất được nguồn gốc vì thế giá trị không được cao.

Có thể thấy, gạo của chúng ta đang tự phát chạy theo nhu cầu thị trường thay vì định vị tập trung vào thị trường mục tiêu, vào các sản phẩm nhằm tạo giá trị xuất khẩu cao dẫn đến thị trường xuất khẩu chủ yếu các nước châu Á mà ít xâm nhập vào thị trường lớn như châu Âu, Mỹ... Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam là cần thiết để nâng cao giá trị và uy tín cho gạo Việt. Và để có thương hiệu, để hạt gạo tăng thêm giá trị trên thương trường, cần có một chiến lược xuất khẩu, chiến lược về thương hiệu, từ đó định vị từng dòng sản phẩm...Có như vậy gạo Việt mới có những thương hiệu lớn trên thị trường thế giới.

Phong Vân