Thêm luận án ‘tiến sĩ cầu lông’: Chuyện không mới
Mạng xã hội đang xôn xao về một luận án “tiến sĩ cầu lông” mới xuất hiện khi trước đó có một luận án tương tự vừa bị Bộ GDĐT đánh giá không đạt. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, dù quy trình hướng dẫn, thẩm định chặt chẽ nhưng tại sao vẫn để lọt những luận án chưa xứng tầm?
Đề tài không có tính khoa học
Luận án "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng được công bố trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ GD&ĐT ngày 7/11 đang gây sự chú ý của dư luận.
Luận án gồm 149 trang, 3 chương, thuộc chuyên ngành Giáo dục học, được thực hiện trong khóa đào tạo không tập trung tại Viện Khoa học Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao) do PGS.TS Bùi Ngọc và PGS.TS Lê Ngọc Trung hướng dẫn.
Danh sách hội đồng chấm luận án tiến sĩ giáo dục học cấp viện gồm 7 thành viên, trong đó PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, là Chủ tịch hội đồng.
Sau khi luận án trên được công bố, nhiều người nhận xét trên các diễn đàn, đề tài này có hàm lượng khoa học ít, không có nhiều tính ứng dụng. Một số ý kiến cũng cho rằng, luận án này có nhiều điểm tương đồng với luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, từng gây tranh cãi trên các diễn đàn hồi tháng 5/2022.
Dưới góc độ chuyên gia, trao đổi với PV, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GDĐT) nhận xét, đề tài "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng không xếp loại đề tài nghiên cứu thuộc chuyên ngành Giáo dục học.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, trên thế giới có rất nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên, đề tài thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục là nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới mục tiêu, chương trình giáo dục, phương pháp dạy và học, đo lường đánh giá và những tác động về mặt hình thành trí tuệ, thể chất của người học. Đề tài thuộc chuyên ngành này phải kết hợp giữa khoa học thể thao với khoa học giáo dục.
“Còn đề tài trên của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng không có tính khoa học, không thấy tính cấp thiết của đề tài”, TS Hoàng Ngọc Vinh đánh giá.
Thiếu “những chiếc máy cái”
Đáng chú ý là luận án "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng xuất hiện ngay sau khi luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh bị Bộ GDĐT kết luận là không đạt yêu cầu sau 5 tháng thẩm định.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, dù quy trình hướng dẫn, thẩm định chặt chẽ nhưng tại sao vẫn để lọt những luận án chưa xứng tầm?
Băn khoăn này không phải không có cơ sở bởi trước đó, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều luận án tiến sĩ đề tài na ná nhau được các hội đồng thông qua và các nghiên cứu sinh bảo vệ thành công.
Chỉ trong một cuộc trao đổi ngắn với phóng viên, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ ra có khoảng trên 30 đề tài nghiên cứu tương tự như những đề tài kể trên mà theo ông là chưa đạt.
“Luận án tiến sĩ trở thành hoạt động showbiz”, câu nói vui của GS.TS Phạm Tất Dong nhưng cũng là điều rất đáng suy ngẫm trước tình trạng ngày càng nhiều đề tài nghiên cứu quá bình dân, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo sau đại học.
Để khắc phục tình trạng “nhân bản” đề tài luận án tiến sĩ như trên, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, Bộ GDĐT cần rà soát, xem xét trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Với những cơ sở không đủ tiêu chuẩn cần phải đóng cửa, dừng tuyển sinh đào tạo bậc tiến sĩ.
Tuy nhiên ở lĩnh vực thể dục thể thao, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay khó khăn lớn nhất là chúng ta đang thiếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đầu ngành được đào tạo bài bản về khoa học thể thao, khoa học giáo dục.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho biết, đây không phải là câu chuyện mới, hôm nay mới nói mà đã được Bộ GDĐT bàn tới từ những năm 2007, 2008. Để giải quyết tồn tại này, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm: “Nhà nước cần phải có chiến lược đầu tư đào tạo bài bản những chiếc máy cái đầu ngành của lĩnh vực này”.