Xây dựng văn hóa đối thoại và thương lượng trong tổ chức công đoàn
Ngày 29/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động và tổ chức các Cuộc vận động của công đoàn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung liên quan đến việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc; văn hóa đối thoại và thương lượng cũng như đánh giá thực tiễn hoạt động của công đoàn cơ sở ở các công ty và các doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn An Ninh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, xét trên hai lĩnh vực lý luận và thực tiễn, công đoàn hiện nay ở vị thế khó và khá phức tạp trong việc tham gia “tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…”
“Nghị quyết Trung ương 2, khóa XII có định hướng “khắc phục tình trạng buông bỏ vai trò lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay, giao nhiệm vụ không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn”. Nếu tiếp tục coi đó là một chức năng cần thiết của Công đoàn hiện nay thì có lẽ chúng ta phải bàn sâu hơn để giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra từ người lao động, từ các lĩnh vực quản lý và quan hệ lao động. Do đó, công đoàn cần và phải tham gia từ thượng nguồn chính sách quản lý liên quan đến sử dụng lao động và điều chỉnh quan hệ lao động”, ông Nguyễn An Ninh chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội lại cho rằng, xây dựng, phát huy văn hóa thương lượng là điểm mấu chốt để củng cố vị thế công đoàn Việt Nam. Do đó, công đoàn cần mở rộng hoạt động đối thoại để trở thành “văn hóa đối thoại và thương lượng” để phản ánh sát thực hơn tình hình thực tế, bao trùm các mức độ phát triển khác nhau của quan hệ lao động ở các doanh nghiệp.
Ông Phạm Mạnh Cường kiến nghị, không nên đề cao số lượng mà nên đề cao chất lượng của bản thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nếu chất lượng của bản thỏa ước không mang lại lợi ích cao hơn cho người lao động thì bản thỏa ước đó chỉ có lợi cho người sử dụng lao động. Do đó, trước khi thúc đẩy thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể thì nên thúc đẩy việc đối thoại với doanh nghiệp. Khi đối thoại đã thực chất thì nó sẽ được phát triển dần lên mức thương lượng. Đối thoại chính là bước tập dượt cho việc thương lượng. Bởi vậy, nên thúc đẩy “văn hóa đối thoại và thương lượng” thay vì chỉ có “văn hóa thương lượng”.
Tiếp thu ý kiến phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, văn hóa công đoàn là bản sắc của tổ chức công đoàn nhưng đồng thời cũng là niềm tự hào của người lao động khi tham gia tổ chức công đoàn. Do đó, các nội dung về văn hóa đối thoại và thương lượng sẽ được lựa chọn để đưa vào dự thảo văn kiện Đại hội Công đoàn sắp tới. Có thể nói, công đoàn Việt Nam là công đoàn luôn đồng hành với dân tộc; đồng hành với người sử dụng lao động; đồng hành để cùng tiến bộ. Theo ông Trần Thanh Hải, sức mạnh của tổ chức công đoàn không chỉ có số lượng mà sức mạnh của công đoàn phải là văn hóa, ý chí, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Do đó, trong thời gian tới, vai trò của tổ chức công đoàn hết sức to lớn. Công đoàn các cấp phải tiếp tục bám sát nhiệm vụ để bảo vệ cho bằng được quyền lợi của người lao động.